Hợp tác xã nông nghiệp: Chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa 'hấp dẫn'

Qua 05 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; đến nay, chỉ có 05 hợp tác xã (HTX) được thụ hưởng. Tuy nhiên, giá trị từ chính sách hỗ trợ mang lại chưa 'hấp dẫn' đối với các HTX, chỉ chiếm khoảng 0,75% chi phí hỗ trợ/tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp (giá trị liên kết được phê duyệt 178,688 tỷ đồng = 04 dự án + 01 kế hoạch).

Ông Nguyễn Trung Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Hiệp Hòa (giữa) trao đổi với lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh về những khó khăn trong thực hiện dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Hiệp Hòa (giữa) trao đổi với lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh về những khó khăn trong thực hiện dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thành Chiến, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết: trên địa bàn huyện có nhiều HTX nông nghiệp, nhưng các HTX và doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia xây dựng kế hoạch để thực hiện chính sách hỗ trợ trong liên kết tiêu thụ nông sản nông nghiệp; do các nguyên nhân như: hỗ trợ thấp và bị khống chế về diện tích (600.000 đồng/ha và không quá 100ha), chi phí để thuê tư vấn làm dự án/kế hoạch chiếm gần 50%/chính sách hỗ trợ. Về hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng cho HTX do hiện nay đa số chưa có trụ sở riêng (tài sản của HTX)….

Hiện trên địa bàn huyện Cầu Ngang có 18 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên chỉ có 02/18 HTX tham gia vào chính sách liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp là nông nghiệp HTX Hiệp Hòa và Mỹ Long Bắc.

Nói về những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện hỗ trợ liên kết, ông Nguyễn Trung Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Hiệp Hòa chia sẻ: HTX có 200 hộ tham gia sản xuất trên tổng diện tích 350ha; qua 01 năm thực hiện Dự án liên kết tiêu thụ nông sản với DNTN Thuận Thiên (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) và sản lượng bao tiêu được 300 tấn lúa ST 25 (khoảng 20%/tổng diện sản xuất của HTX). Ngoài ra, nông dân trong HTX được hỗ trợ lúa giống (tổng kinh phí 20 triệu đồng) từ nguồn vốn của chính sách đầu tư.

Đối với nguồn vốn trong thực hiện chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hiện HTX không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất; do HTX không có đất để xây dựng và năng lực về vốn đối ứng… đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của các sở, ngành cùng tham gia tháo gỡ cho các HTX.

Còn tại HTX nông nghiệp Đạt Thịnh (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè), được hỗ trợ từ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh .

Ông Lý Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Đạt Thịnh cho biết: giá trị mang lại trong thụ hưởng từ chính sách liên kết của dự án chưa tương xứng với giá trị đầu tư sản xuất của nông dân nên nông dân cũng như HTX rất ngại tham gia. Cụ thể, trong dự án chỉ hỗ trợ 600.000 đồng/ha và thực hiện 01 lần/dự án (03 năm); cùng với hỗ trợ 02 đợt trong tập huấn, hội thảo cho nông dân tham dự (140.000 đồng/đợt/nông dân). Về chi phí xây dựng dự án, phần lớn thuê bên thứ 02 thực hiện và chiếm gần 50%/tổng giá trị đầu tư của dự án.

Nông dân Thạch Điện bên cánh đồng lúa nằm trong mô hình Dự án liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX nông nghiệp Dân Tiến (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè) với Công ty TNHH DAFA.

Nông dân Thạch Điện bên cánh đồng lúa nằm trong mô hình Dự án liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX nông nghiệp Dân Tiến (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè) với Công ty TNHH DAFA.

Đồng chí Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND có ý nghĩa rất lớn là tạo điều kiện cho nông dân từ sản xuất manh mún hướng đến sản xuất tập trung, có tính liên kết cao. Tuy nhiên, có một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án là chính sách hỗ trợ chưa thật sự hấp dẫn nông dân tham gia; các thủ tục trong thực hiện dự án còn bất cập, như về chu kỳ sản xuất trong liên kết…

Riêng huyện Cầu Kè, qua 03 năm (2019 - 2022) triển khai được 03 dự án liên kết có 610 hộ tham gia/tổng diện tích 697,88ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ 1,249 tỷ đồng; trong này, đối với hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết chiếm tỷ lệ khá cao 57,3% (khoảng 718 triệu đồng).

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hop-tac-xa-nong-nghiep-chinh-sach-ho-tro-lien-ket-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-chua-hap-dan-31364.html