Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các thành viên trong việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Lê Văn Cảm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông-cho biết: Năm 2019, HTX được thành lập và triển khai mô hình trồng măng tây theo hướng hữu cơ. Sau đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ.
Đến năm 2021, nhận thấy việc trồng bắp sinh khối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ tìm đầu ra nên HTX quyết định chuyển đổi sang canh tác loại cây này.
Theo đó, HTX đã tổ chức tập huấn, đưa các giống bắp mới vào trồng thử nghiệm, từ đó chọn giống bắp cho năng suất, chất lượng cao để đầu tư canh tác.
Ngoài ra, HTX còn cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên, đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất và nhà máy chế biến sản phẩm bắp tươi để bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi.
“Hiện nay, HTX thu hút 40 thành viên tham gia. Diện tích bắp của các thành viên HTX hiện có 50 ha, diện tích bắp do HTX liên kết với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông sản xuất là 350 ha. Các giống bắp đang canh tác đều có chất lượng, năng suất cao như: Nk7328, VS36… Sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 20-25 triệu đồng/ha, các thành viên lãi trên 10 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài ra, HTX còn liên kết thu mua bắp sinh khối cho hơn 200 hộ dân tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Mỗi năm, HTX cung cấp 20 ngàn tấn bắp tươi đã qua chế biến cho Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi bò Trường Hải Gia Lai và Trang trại bò sữa NutiMilk Gia Lai với giá 1.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, HTX đạt lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm”-ông Cảm thông tin thêm.
Ông Lê Trung Dũng (tổ 2, thị trấn Chư Prông) cho biết: Ông tham gia HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông từ đầu năm 2022. Ngoài việc góp vốn thành viên để hưởng lợi nhuận, ông còn tham gia trồng 10 ha bắp sinh khối để có thêm thu nhập.
“Từ khi tham gia HTX, tôi được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đến khi có thu hoạch mới hoàn trả. Bên cạnh đó, tôi còn được hỗ trợ máy móc phục vụ việc cày xới, chăm sóc, thu hoạch với giá thấp và được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Với việc trồng 2 vụ bắp/năm, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng”-ông Dũng cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Đức (tổ 5, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: Trước đây, ông chủ yếu làm nghề sơn sửa xe và chạy xe thuê. Đầu năm 2023, ông tham gia làm thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông với nhiệm vụ trồng, chăm sóc, thu hoạch bắp. “Từ lợi nhuận có được của HTX, tôi nhận được 17-18 triệu đồng/tháng”-ông Đức nói.
Theo ông Cảm, ngoài liên kết sản xuất bắp sinh khối để bán cho các doanh nghiệp chăn nuôi, HTX còn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống béc tưới... cho các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Từ các lĩnh vực kinh doanh, mỗi năm, doanh thu của HTX đạt gần 40 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu này, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 9-15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ.
“Với việc cung cấp sản phẩm bắp tươi đã qua chế biến cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất, thu mua bắp sinh khối của người dân trên địa bàn huyện Chư Prông và Chư Pưh để vừa tăng lợi nhuận, vừa tạo việc làm cho lao động tại địa phương và tạo đầu ra ổn định cho nông sản của người dân”-ông Cảm khẳng định.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: Trên địa bàn huyện có 33 HTX. Thời gian qua, các HTX đã liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để giúp người dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Trong đó, HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông hoạt động ổn định với doanh thu lớn.
Bên cạnh mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên, HTX còn góp phần bao tiêu sản phẩm cho người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.