Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 3 - Dạy thêm, học thêm phải tuân thủ pháp luật - nghiêm minh sư phạm
Giáo viên được phép dạy thêm và học sinh có nhu cầu học thêm là hoàn toàn chính đáng từ hai phía. Song, cần phải hợp thức hóa dạy thêm để đảm bảo hoạt động này tuân thủ pháp luật - nghiêm minh sư phạm.
Bài 1 - Nỗi ám ảnh điểm thấp, bài khó, bị ghét khi không đi học thêm
Bài 2 - Bác sĩ được phép mở phòng khám, giáo viên cũng có quyền dạy thêm
Lời tòa soạn: Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Tạp chí Công dân và Khuyến học tiếp tục đưa ra ý kiến các chuyên gia nhiều lĩnh vực về chính sách ban hành đi kèm với giải pháp quản lý nhằm lành mạnh hóa dạy thêm của các giáo viên và việc học thêm của học sinh.
Hợp thức hóa học thêm phải xét từ gốc rễ nhu cầu và tính đáp ứng
Chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ quan điểm:
"Việc dạy thêm, học thêm đã tồn tại từ lâu. Theo tôi, khi các em học sinh có nhu cầu được học thì không nên cấm dạy thêm. Việc đi học thêm giúp học sinh phát triển được khả năng tư duy của mình – điều này là rất tốt trong giáo dục. Mặt khác, học thêm cũng là một cách các em có thêm cơ hội để tìm hiểu sâu về môn học mà mình đam mê, yêu thích".
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đưa ra ví dụ, nếu một học sinh yêu thích môn Âm nhạc, học sinh đó có quyền được tham gia một lớp học để bồi dưỡng niềm đam mê của mình. Và rất có thể chính những lớp học thêm đó sẽ là môi trường phát hiện và biến năng lực tiềm ẩn của học sinh thành tài năng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, học thêm là nhu cầu tất yếu của cả học sinh trung bình và học sinh giỏi. Chuyên gia cho rằng học thêm để hoàn thiện và phát triển năng lực của mỗi người, do mỗi người tự giác lựa chọn mà không chịu sự tác động của giáo viên buộc học sinh phải học thêm thì rất lành mạnh.
Nhưng hiện nay việc dạy thêm đã bị biến tướng và có những biểu hiện tiêu cực như: dạy thêm tràn lan, giáo viên bắt học sinh đi học thêm... Điều này gây khó khăn cho học sinh rất nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để việc dạy thêm, học thêm là điều tích cực thì giáo viên phải phân bổ thời gian dạy thêm sao cho hợp lý, không nên tổ chức quá nhiều buổi dạy thêm trong một tuần. Bởi nếu ngoài học trên trường, các em học sinh còn phải bỏ thời gian dài ở các lớp học thêm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là khó tiếp thu được kiến thức vì các em không có thời gian nghỉ ngơi, nhất là các em học sinh cấp 1 và cấp 2.
Sự chính trực được đề cao mới có thể hợp thức hóa dạy thêm
Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: "Giáo viên được phép dạy thêm và học sinh có nhu cầu học thêm – hai điều này hoàn toàn chính đáng, không có gì mâu thuẫn".
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là "sự chính trực trong dạy thêm". Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề:
"Thứ nhất, giáo viên được phép dạy thêm khi nào và làm thế nào để giáo viên được phép dạy thêm? Thứ hai, học sinh thật sự cần học thêm khi nào và nên học thêm như thế nào thì tốt cho sự phát triển của họ?".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, hiện nay xảy ra các hiện tượng gây ảnh hưởng đến sự chính trực và không phù hợp với đạo đức nhà giáo.
Đó là: Giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình đang được phân công dạy chính thức; Giáo viên dạy thêm cho học sinh nhưng không mang "thêm" cho các em cái gì ngoài thời gian cho việc học và cả sự chịu đựng.
Giáo viên chẳng tạo dựng môi trường học thêm tử tế, chuyên nghiệp, có chăng là sự tạm bợ, ảnh hưởng nhiều đến cả sức khỏe của các em; Giáo viên chấp nhận, tìm cách để được dạy ở một trường công có tên tuổi, để phục vụ mục đích dạy thêm.
Theo chuyên gia giáo dục Chu Cẩm Thơ, dạy thêm hoàn toàn hợp lý bởi nó có thể là một nguồn sống tốt cho các giáo viên. Cô cũng đưa ra dẫn chứng khi hiện có rất nhiều giáo viên sống 100% bằng làm việc ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa (được cấp phép dạy thêm). Điều này theo Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ là rất chính đáng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng, muốn tổ chức lớp dạy thêm thì giáo viên phải nâng cao trách nhiệm của bản thân. Chẳng hạn, giáo viên phải xây dựng chương trình học tập có nội dung rõ ràng, chất lượng. Hay cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải bảo đảm tính cập nhật, thực tế.
Khi một cơ sở dạy thêm minh bạch, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó thì xứng đáng được cấp phép, được tổ chức dạy thêm.
Hợp thức hóa dạy thêm để tuân thủ pháp luật - nghiêm minh sư phạm
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho biết, khi nói về dạy thêm, đa phần mọi người đều bày tỏ lo lắng nếu cấm dạy thêm thì thiệt thòi cho học sinh vì học sinh phải trải qua nhiều kỳ thi. Theo Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ thì việc tiếp cận vấn đề như vậy thật hạn chế và có phần oan cho nhà quản lý.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng, nên nhìn "bức tranh" dạy thêm này rộng hơn, bớt định kiến đi. Theo đó, khi tiếp cận vấn đề dạy thêm, chúng ta cần phải nắm bắt được gốc rễ của nó.
Đó là: Vì sao nhiều giáo viên bị xử phạt, bị "không được tiếp tục dạy" khi bị cơ quan chức năng kiểm tra? Nếu câu hỏi này được trả lời rõ ràng thì sẽ thấy được số lượng và tỉ lệ lớp dạy thêm không phép là không hề nhỏ.
Một thực tế nữa theo vị chuyên gia giáo dục này là thị trường dạy thêm thì hiển nhiên tồn tại. Song, các nhà quản lý thuế thì thường than là "chẳng mấy giáo viên chịu nộp thuế thu nhập cá nhân từ nguồn dạy thêm".
Thay vì cấm dạy thêm thì hãy để việc dạy thêm được kiểm soát nghiêm minh. Khi việc dạy thêm được kiểm soát chặt chẽ, giáo viên cũng sẽ ý thức được trách nhiệm của mình. Đồng thời, họ cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi và danh dự nghề của chính mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ
Một vấn đề nữa khiến Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ trăn trở đó là mỗi trường có một số lượng tuyển sinh có hạn. Song, học sinh thì dựa vào uy tín của trường, kiểu "ở đây dạy luyện thi vào trường A, trường B..." nên cứ ùn ùn luyện thi. Từ đây sẽ phát sinh tình trạng học tràn lan, học luyện và học ép.
Trước thực trạng này, chuyên gia giáo dục Chu Cẩm Thơ cho rằng, nếu việc dạy thêm được cấp phép thì nhà quản lý sẽ điều phối được cách tổ chức dạy thêm sao cho hợp lý và giúp các giáo viên nhận thức đúng đắn về mục đích của dạy thêm.
Hợp thức hóa dạy thêm bằng quản lý và chính sách
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng, tiến sĩ hoàn toàn ủng hộ đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vị chuyên gia giáo dục này cho rằng, mục tiêu của đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo là để quản lý việc dạy thêm, học thêm trở nên lành mạnh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm e ngại là liệu đề xuất đó nếu được thông qua thì có ngăn chặn được tiêu cực trong dạy thêm, học thêm hay không? Hay đề xuất đó sẽ là cơ sở cho sự tiêu cực trong dạy thêm được thực hiện một cách đàng hoàng, hợp pháp? Bởi khi hoạt động dạy thêm, học thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện, rất có thể có nhiều giáo viên nghĩ rằng nghề đã được nhà nước bảo hộ thì cứ đăng ký, cứ dạy tràn lan kiếm thêm thu nhập?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định đây là một bài toán khó. Bởi theo ông, không phải cứ hợp pháp hóa hoạt động dạy thêm, học thêm thì sẽ có cách quản lý.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, song song với đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quy định rõ ràng. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải giải trình luôn phương pháp quản lý để chống tiêu cực và đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đi đúng hướng, đúng với nhu cầu của giáo viên và học sinh.
Cuối cùng, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói rằng, trong giáo dục, học sinh phải lấy tự học và tự rèn luyện để phát triển phẩm chất năng lực của bản thân. Do đó, sứ mệnh cao cả của người lái đò tri thức là hướng dẫn cho học sinh cách học chứ không nên dạy theo kiểu "rót nước vào chai".
Bởi lẽ, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm thì dạy kiến thức mà chỉ chú trọng dạy lý thuyết thì sẽ rất khô khan, không phát triển tư duy độc lập, năng lực học tập suốt đời của học sinh.
Bài 4 - Kinh doanh dạy và học ngoài chính khóa như thế nào?
Bài 5 - Học sinh nước ngoài có mệt mỏi vì học thêm?
Bài 6 - Quy định về dạy thêm nên gắn với thực tế để việc thực thi đạt hiệu quả