Chuyển đổi số là con đường đưa ĐBSCL từ 'vựa lúa' đến vùng giá trị
Không còn là xu hướng, chuyển đổi số chính là 'con đường' phát triển nhanh cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, trong quy hoạch ĐBSCL, giai đoạn 2026-2030, với gần 900.000 tỉ đồng, nhưng nguồn lực cho hạ tầng số gần như… vắng bóng. Đây là 'lỗ hổng' lớn, có thể khiến vùng tiếp tục tụt hậu nếu không được lấp đầy.
Liên quan vấn đề nêu trên, KTSG Online có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế khu vực ĐBSCL.

TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL. Ảnh: NVCC
“Cầu nối” rút ngắn khoảng cách, tạo đột phá
KTSG Online: Chuyển đổi số có vai trò ra sao đối với phát triển kinh tế, nhất là với bối cảnh của ĐBSCL hiện nay, thưa ông?
TS Trần Hữu Hiệp: Chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng, nó đã trở thành yếu tố “sống còn” với sự phát triển của địa phương, đặc biệt với một vùng trọng điểm nông, thủy sản như ĐBSCL.
Với đặc thù nêu trên, chuyển đổi số là một trong những cách đi, là yêu cầu đặt ra để phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, giúp ĐBSCL vượt qua những thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, đe dọa tài nguyên nguồn nước, tức không thể mãi đi theo nền nông nghiệp truyền thống, mà phải có bước chuyển.
Chuyển đổi số mang đến ba ý nghĩa lớn với khu vực này. Thứ nhất, khi làm tốt chuyển đổi số, kết hợp với công nghệ mới sẽ giúp tối ưu hóa sản xuất, tăng giá trị nông sản. Áp dụng các công nghệ như IoT (Internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo) giúp giám sát mùa vụ, dự báo sâu bệnh/độ mặn, truy suất nguồn gốc…
Thực tế, thời gian qua, một số địa phương ở ĐBSCL bước đầu đã ứng dụng công nghệ mới cho từng lĩnh vực. Cụ thể, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là thành phố Cần Thơ) đã triển khai hệ sinh thái số nông nghiệp thông minh cho chuỗi lúa gạo, trái cây và thủy sản; hệ thống cảm biến, phần mền quản lý giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế hao hụt và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Thứ hai, là mở rộng thị trường, tức thương mại điện tử giúp người nông dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, có thể gia tăng thêm 20% so với bán hàng truyền thống, tất nhiên chỉ mới bước đầu ứng dụng.
Thứ ba, cải thiện năng lực quản trị địa phương và an sinh xã hội ở khu vực công. Trong đó, dữ liệu số nếu xây dựng/khai thác và quản trị tốt giúp dự báo được thiên tai, quản lý tài nguyên đất, nước.
Ngoài ra, thông tin, số liệu thị trường sẽ được cung cấp kịp thời, giúp nông dân và doanh nghiệp không “mù thông tin”, tránh tình trạng giải cứu nông sản, thậm chí cả dữ liệu về tài nguyên để phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Thực tế, thời gian qua, một số địa phương như tỉnh Bến Tre cũ (nay là tỉnh Vĩnh Long) đã xây dựng hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn, bản đồ GIS giúp nông dân chủ động mùa vụ, tránh thiệt hại.
Từ ba góc độ nêu trên, chuyển đổi số với ĐBSCL không chỉ là một xu thế tất yếu, mà còn là cầu nối, phương tiện để rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo cơ hội cho vùng “bứt phá”.
Theo ông, xu hướng chuyển đổi số thời gian tới ra sao?
- Tôi không phải là chuyên gia về công nghệ thông tin, nhưng ở góc độ vừa công nghệ vừa kinh tế, tôi thấy có mấy vấn đề nổi lên.
Thứ nhất, công nghệ lõi sẽ xâm nhập sâu hơn vào sản xuất nông nghiệp, logistics, du lịch, giáo dục…, giúp lan tỏa, tạo nền tảng cho nhiều công nghệ khác phát triển.
Chẳng hạn, thành phố Cần Thơ ứng dụng camera AI phân tích dữ liệu giao thông và môi trường, thì sắp tới sẽ triển khai mạnh hơn. Tương tự, Sóc Trăng và Bạc Liêu cũ đưa công nghệ IoT vào nuôi tôm để tăng năng suất, thì sắp tới mức độ ứng dụng sẽ tăng, nhất là khi các tập đoàn chuyên về lĩnh vực này có sự quan tâm.
Thứ hai, chính quyền số và kinh tế số song hành với chuyển đổi bộ máy quản lý (chính quyền hai cấp) nên bắt buộc phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quản lý, bao gồm AI, IoT. Đây là hướng đi không chỉ phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà còn đổi mới cách quản trị, tương tác với người dân trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp giải quyết đầu tư, đăng ký kinh doanh…
Thứ ba, liên kết vùng về hạ tầng số phải được quan tâm, bởi địa phương đơn lẻ không đủ nguồn lực xây dựng trung tâm dữ liệu lớn.
Thực tế, câu chuyện trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia đã được đặt ra, nhưng bây giờ phải tính toán lại với yêu cầu chuyển đổi số, phát triển nhanh như hiện nay.

Thiếu nguồn lực đầu tư chuyển đổi số, ĐBSCL có thể mắc kẹt trong bẫy sản xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Ảnh: AI
Nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy sản xuất thô”
Giai đoạn 2026-2030, quy hoạch ĐBSCL dự kiến có gần 900.000 tỉ đồng đầu tư, nhưng nguồn lực dành cho hạ tầng số, viễn thông hầu như không có. Điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
- Việc thiếu đầu tư cho hạ tầng số là một “lỗ hổng” lớn trong chiến lược phát triển vùng ĐBSCL. Điều này, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nếu không được lấp đầy.
Thứ nhất, kinh tế số nếu chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu” không thể thành công, dĩ nhiên, tuyên truyền là cần thiết để chuyển đổi nhận thức. Nếu không có mạng 5G, cáp quang lẫn trung tâm dữ liệu, thì không có mô hình nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử cũng khó mở rộng.
Nền tảng chuyển đổi số là cần thiết và việc này nhà nước phải đầu tư, chứ không phải do tư nhân. Tuy nhiên, nguồn lực bố trí cho trung hạn không có, thì lấy gì đầu tư?
Hệ lụy thứ hai là mất cơ hội thu hút đầu công nghệ, bởi doanh nghiệp công nghệ sẽ ưu tiên những nơi có hạ tầng sẵn sàng. Ngày xưa, doanh nghiệp muốn đầu tư, hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, thì bây giờ công nghệ cũng vậy, tức phải có hạ tầng số.
Hệ lụy thứ ba là tụt hậu sâu hơn so với những vùng khác, nhất là khi TPHCM và Đông Nam bộ tăng tốc kinh tế số, trong khi ĐBSCL vẫn dựa vào mô hình tăng trưởng truyền thống khi 5 năm tới không có nguồn lực cho lĩnh vực này.
Khi có đầu tư công cho hạ tầng số, mới kỳ vọng thu hút được tư nhân triển khai các phương thức đầu tư PPP (đối tác công tư). Ngược lại, ĐBSCL sẽ bỏ lỡ chuyến tàu kinh tế số và tiếp tục mắc kẹt trong bẫy sản xuất thô, giá trị gia tăng thấp.
Vậy ĐBSCL phải làm gì để không bị tụt hậu trong chuyến tàu chuyển đổi số, thưa ông?
- Theo tôi, nhất thiết phải có chiến lược chuyển đổi số cấp vùng, trong đó, có mấy vấn đề cần phải quan tâm, bao gồm thứ nhất, đầu tư hạ tầng số đồng bộ, tức cần tính toán nguồn lực để phủ sóng 5G, kéo cáp quang đến tận xã; xây dựng các trung tâm dữ liệu, trong đó, ưu tiên tại Cần Thơ để kết nối trực tiếp với TPHCM.
Thứ hai, phát triển nền tảng dữ liệu mở dùng chung, tức “xe” phải có “nhiên liệu” mới chạy được; liên kết dữ liệu nông nghiệp, logistics, du lịch, dữ liệu dân cư… với trung tâm dữ liệu quốc gia để phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, đào tạo nhân lực số và nâng cao nhận thức của cộng đồng vì con người là yếu tố quyết định đến thành bại của chuyển đổi số.
Thứ tư, nghiên cứu một cơ chế đặc thù để đề xuất Chính phủ bổ sung chương trình hạ tầng số cho ĐBSCL. Đây sẽ là nguồn lực để đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số cho vùng, tương tự chương trình hạ tầng giao thông.