HOSE giữ nguyên diện cảnh báo và kiểm soát đối với nhiều 'tên tuổi một thời'
Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) mới đây đã công bố nhiều quyết định về việc giữ nguyên diện cảnh báo và vào diện kiểm soát... đối với các cổ phiếu lớn vì có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Theo đó, HOSE đã thông báo về việc giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 của Công ty âm 957,01 tỷ đồng.
Tại Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất bán niên 2024 đã được soát xét, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh nợ ngắn hạn của HAG đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là hơn 350 tỷ đồng.
Theo kiểm toán viên, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAG.
Giải trình về vấn đề này, HAG cho biết, tại ngày lập BCTC hợp nhất bán niên 2024 đã được soát xét, HAG đã lập kế hoạch kinh doanh cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền hoạt động tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Công ty này cho hay, vẫn đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Đồng thời, đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn. Hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024 nên đáp ứng được giả định hoạt động liên tục.
HOSE cũng ra quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu BCE của Công ty cổ phần Xây dựng và giao thông Bình Dương. Nguyên nhân do tại thời điểm ngày 30/6/2024, BCE đang có lỗ lũy kế lên đến hơn 56,6 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2024, BCE ghi nhận doanh thu đạt 16,56 tỷ đồng, giảm 41,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 11,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1,65 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 9,96 tỷ đồng.
HOSE cũng đã quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương.
Tại BCTC bán niên năm 2024, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C cho biết, TDC đang có khoản lỗ lũy kế gần 317,83 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.097,24 tỷ đồng. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TDC.
Lý giải về lo ngại của kiểm toán, TDC cho biết, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã Ck: BCM) và các công ty khác trong cùng Tập đoàn cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho TDC bằng cách bảo lãnh các khoản nợ vay, không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền nợ mua hàng hóa, dịch vụ cho đến khi Công ty có khả năng trả nợ.
Vì vậy, BCTC của TDC vẫn được lập dựa trên giả thiết Công ty hoạt động liên tục.
Ngoài ra, HOSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với các cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (mã Ck: TDH), Công ty cổ phần Viễn thông tin học Bưu điện (mã Ck: ICT), Công ty cổ phần SEAREFICO (mã Ck: SRF), Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã Ck: APH), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (mã Ck: PIT).
HOSE cũng giữ nguyên diện cảnh báo và kiểm soát với cổ phiếu của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã Ck: DTL) do còn lỗ lũy kế hơn 58 tỷ đồng. Cổ phiếu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã Ck: AGM) bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 10/9 do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp./.