HOSE liệt kê 67 cổ phiếu bị 'treo' margin

Trên thị trường chứng khoán có tới 67 mã đang bị 'treo' margin tính đến ngày 23/5/2025. Những lý do phổ biến trải rộng từ lỗ lũy kế, kiểm toán từ chối báo cáo tài chính, chậm công bố thông tin đến việc nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát hay thậm chí vi phạm pháp luật...

Sở Giao dịch TP.HCM (HOSE) đã công bố cập nhật mới nhất về danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ tính đến ngày 23/5/2025. Trong đó, cổ phiếu DSC đã chính thức được đưa ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, vẫn còn tới 67 mã chứng khoán đang bị "treo" margin do vướng nhiều vấn đề liên quan đến tài chính và công bố thông tin.

Cụ thể, cổ phiếu DSC của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC đã chính thức được rút khỏi danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Trước đó, việc DSC nằm trong diện bị cấm margin chủ yếu do liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán. Sau khi doanh nghiệp hoàn tất việc khắc phục và đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, cổ phiếu đã được “gỡ lệnh cấm”.

Dù DSC đã được rút khỏi danh sách, tính đến ngày 23/5/2025, vẫn còn tổng cộng 67 mã cổ phiếu nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Những mã này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau và phần lớn vướng phải các vấn đề như: Lỗ lũy kế, báo cáo tài chính bị kiểm toán từ chối, chậm công bố thông tin, hoặc đang nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt.

Điểm đáng lưu ý là các nguyên nhân này không chỉ cho thấy rủi ro nội tại của từng doanh nghiệp, mà còn phản ánh thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam trong việc nâng cao tiêu chuẩn minh bạch và quản trị doanh nghiệp.

Trong đó, lỗ lũy kế là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều cổ phiếu bị cấm margin. Những cái tên quen thuộc trong nhóm này gồm: AAM (Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong), APG (Công ty Cổ phần Chứng khoán APG), NVL (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va), PGV (Tổng Công ty Phát điện 3), TMT (Công ty Cổ phần Ô tô TMT).

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp quy mô nhỏ như: CMX (Công ty Cổ phần Camimex Group), DQC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Quang), EVE (Công ty Cổ phần Everpia), HAS (Công ty Cổ phần Hacisco), HID (Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam),... cũng góp mặt trong nhóm này.

Một nhóm cổ phiếu khác cũng bị cấm giao dịch ký quỹ vì lý do đặc biệt nghiêm trọng: Bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến hoặc đưa ra ý kiến không chấp nhận với báo cáo tài chính. Danh sách này có 2 cái tên :AAT (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa) và ABS (Công ty Cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận).

Tiếp đó là chậm trễ trong công bố báo cáo tài chính kiểm toán cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bị loại khỏi danh sách margin, cụ thể: BCG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital) và TCD (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Tracodi) đều vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, làm ảnh hưởng tới độ minh bạch cần thiết trong môi trường niêm yết.

Việc vi phạm thời hạn công bố không chỉ cho thấy vấn đề trong quản trị và hệ thống kiểm soát nội bộ, mà còn khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi về động cơ và độ tin cậy của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng đề cao tính minh bạch và kỷ luật tài chính, những sai sót này có thể dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng trong khả năng gọi vốn.

Tiếp đến là nhóm doanh nghiệp đang bị cảnh báo, kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt trên sàn. Trong danh sách này, có những cái tên đã “quen mặt” trong nhiều năm như: HVN (Hàng không Việt Nam), TDH (Phát triển Nhà Thủ Đức), PMG (Petro Miền Trung), PIT (PETROLIMEX Xuất nhập khẩu), ORS (Chứng khoán Tiên Phong), TTF (Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), APH (Tập đoàn An Phát Holdings), ASP (Tập đoàn Dầu khí An Pha).

Việc bị đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát là biện pháp kỹ thuật của sàn giao dịch để giám sát các doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn tài chính hoặc không tuân thủ quy định niêm yết. Đây là nhóm doanh nghiệp mang rủi ro cao nhất trên thị trường, và đương nhiên việc bị loại khỏi danh mục cấp margin là điều tất yếu.

Ngoài ra, trong danh này còn có 5 cổ phiếu chưa đủ điều kiện ký quỹ do chưa đủ thời gian hoạt động trên sàn chứng khoán. Cụ thể: BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), CCC (Xây dựng CDC), RYG (Đầu tư Hoàng Gia) và cả các quỹ ETF như FUETCC50 (Techcom Capital) hay VPL (Vinpearl). Nhóm này chủ yếu là những cái tên mới tham gia thị trường hoặc mới chuyển sàn, chưa tích lũy đủ dữ liệu giao dịch để được xem xét cấp phép giao dịch ký quỹ.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, tính tuân thủ pháp luật cũng là yếu tố quan trọng được cơ quan quản lý đưa vào đánh giá. Lần này, GIL (Xuất nhập khẩu Bình Thạnh) và VTB (Viettronics Tân Bình) là hai cái tên bị loại khỏi danh sách ký quỹ do vi phạm pháp luật về thuế.

Không chỉ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, bao gồm quỹ mở và quỹ ETF cũng không nằm ngoài danh sách bị “gạch tên” khỏi giao dịch ký quỹ nếu giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ (NAV) thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng). Đây là chỉ dấu cho thấy hiệu suất hoạt động của quỹ không đạt kỳ vọng, và niềm tin của nhà đầu tư đang bị thử thách.

Loạt quỹ rơi vào diện này gồm: FUCT VGF3, VGF4 và VGF5 (thuộc nhóm Quỹ Thiên Việt), FUCVRETT (Quỹ Bất động sản Techcom), FUEABVND (ETF ABFVN DIAMOND), FUEIP100 (ETF IPAAM VN100), FUEKIV30 (ETF KIM Growth VN30).

Đáng chú ý, trong số này có cả những quỹ đầu tư vào các rổ chỉ số lớn như VN100 hay VN30. Điều này cho thấy, ngay cả những sản phẩm tài chính có vẻ “an toàn” trên lý thuyết cũng có thể gặp trục trặc khi vận hành trong bối cảnh thị trường không thuận lợi hoặc chiến lược đầu tư thiếu linh hoạt.

Thực tế, có những mã cổ phiếu rơi vào cùng lúc nhiều nguyên nhân bị loại khỏi giao dịch ký quỹ. Chẳng hạn, một cổ phiếu vừa bị cảnh báo do kết quả kinh doanh yếu kém, lại vừa bị đình chỉ giao dịch hoặc có vi phạm pháp luật. KPF (Công ty Cổ phần Đầu tư tài sản Koji) là một ví dụ điển hình cho tình trạng này, cho thấy mức độ rủi ro chồng chất mà nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/hose-liet-ke-67-co-phieu-bi-treo-margin-post560355.html