Houthi tuyên bố cứng rắn sau khi bị Mỹ đưa trở lại danh sách tổ chức khủng bố
Sau khi bị Mỹ đưa trở lại danh sách các thực thể khủng bố, Houthi tuyên bố không từ bỏ việc nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền của Israel hoặc các tàu đang hướng tới các cảng ở Palestine bị chiếm đóng.
Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera hôm 17/1, người phát ngôn của Houthi, ông Mohamed Abdelsalam nhấn mạnh lực lượng này sẽ không từ bỏ việc nhắm mục tiêu vào các tàu thuyền của Israel hoặc các tàu đang hướng tới các cảng ở Palestine bị chiếm đóng… để ủng hộ người dân Palestine.
Giống như tuyên bố qua video của một người phát ngôn Houthi khác, ông Yahya Sarea vào hôm 15/1, ông Abdelsalam cũng nói rằng lực lượng này sẽ đáp trả các cuộc tấn công mới của Mỹ hoặc Anh nhằm vào Yemen.
Cũng trong ngày 17/1, ông Abdul Rahman Al-Ahnumi, thành viên cơ quan truyền thông của Houthi đã nói với Reuters ở Saana rằng việc Mỹ quyết định đưa lực lượng này trở lại danh sách các thực thể khủng bố là nhằm hỗ trợ Israel tiếp tục cuộc chiến ở Dải Gaza.
Theo ông Al-Ahnumi, đây là một nỗ lực ngăn cản Yemen khỏi quan điểm ủng hộ Palestine và Gaza, nhưng quyết định của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Houthi trong việc ngăn chặn các tàu của Israel hoặc các tàu thuyền hướng tới Israel băng qua Biển Đỏ, Biển Ả Rập và Eo biển Bab al-Mandab.
Xem video ông Abdul Rahman Al-Ahnumi, thành viên cơ quan truyền thông của Houthi tuyên bố hôm 17/1 sau khi lực lượng này bị Mỹ đưa trở lại danh sách các thực thể khủng bố. Nguồn: Reuters
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Hôm nay Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo coi Ansarallah, thường được gọi là Houthi, là một nhóm khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt (SDGT), hành động này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ hôm nay”.
Ngoại trưởng Blinken giải thích trong thời gian 30 ngày này, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành tiếp xúc với các bên liên quan, nhà cung cấp viện trợ và đối tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo và nhập khẩu thương mại các mặt hàng quan trọng ở Yemen.
Về phần mình, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định việc đưa Houthi vào danh sách đen "là một công cụ quan trọng để cản trở việc tài trợ khủng bố cho lực lượng này, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường tài chính và buộc Houthi phải chịu trách nhiệm về hành động của mình". Ông Sullivan lưu ý nếu Houthi ngừng các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, Mỹ sẽ ngay lập tức đánh giá lại động thái này.
Theo hãng tin AP, trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liệt Houthi là tổ chức khủng bố nước ngoài bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nhóm viện trợ nhân quyền và nhân đạo.
Khi Houthi nằm trong danh sách này, người Mỹ cũng như những cá nhân và tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ bị cấm hỗ trợ vật chất cho Houthi. Lệnh cấm này khiến các tổ chức viện trợ cho rằng sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo thậm chí còn lớn hơn những gì đã xảy ra ở Yemen.
Đến thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, vào năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã loại bỏ Houthi khỏi danh sách khủng bố dù bị một số người chỉ trích gay gắt. Mục đích của Mỹ là duy trì lượng thực phẩm, thuốc men và viện trợ cần thiết khác cho người Yemen.
Quyết định của Mỹ hôm 17/1 đưa Houthi trở lại danh sách các thực thể khủng bố diễn ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi đối với hàng hải quốc tế nhằm phản đối việc Israel bắn phá Gaza.
Ngày 19/12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập liên minh đa quốc gia nhằm sẵn sàng thực hiện chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng tại Biển Đỏ.
Tối 11, rạng sáng 12/1, quân đội hai nước Mỹ và Anh với sự hỗ trợ của nhiều đồng minh, đối tác đã dồn dập tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen.
150 tên lửa và bom dẫn đường các loại đã được sử dụng để nhằm vào gần 30 địa điểm của Houthi tại Yemen, bao gồm trung tâm chỉ huy, kho đạn dược, cơ sở sản xuất vũ khí.
Xem video máy bay Typhoon của Anh cất cánh tham gia cùng Mỹ không kích các mục tiêu quân sự của Houthi ở Yemen tối 11/1. Nguồn: Bộ Quốc phòng Anh/X
Sau đó vào sáng 13/1, quân đội Mỹ đã thực hiện thêm một những không kích quy mô nhỏ hơn nhằm vào một trạm radar và căn cứ không quân Al-Dailami ở thủ đô Sanaa của Yemen, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Houthi kể từ năm 2014.
Vào ngày 16/1, theo một nguồn tin từ chính quyền địa phương của tỉnh Al Bayda ở miền Trung Yemen, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào doanh trại ở tỉnh Al Bayda, phía Đông Nam thủ đô Sanaa của Yemen. Máy bay của Mỹ và Anh đã ném bom các cơ sở của Houthi trong doanh trại của huyện Mukayris, khu vực pháo đài At Taffah và các cơ sở ở huyện Sawmaah.
Houthi là lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất ở Yemen. Sau khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ, từ tháng 10/2023, Houthi đã tấn công các tàu thương mại trong khu vực mà họ cho rằng có liên quan đến Israel, nhằm ủng hộ người Palestine và nhóm Hamas trong cuộc xung đột với Israel ở Dải Gaza.
Gần nhất là Houthi đã bắn tên lửa trúng tàu chở hàng Zografia của Hy Lạp ở Biển Đỏ. Trước đó vào hôm 15/1, Houthi đã tập kích gây cháy tàu hàng Gibraltar Eagle của Mỹ ở Vịnh Aden còn vào hôm 14/1, đã phóng tên lửa hành trình về phía tàu khu trục USS Laboon của Hải quân Mỹ, nhưng bị máy bay chiến đấu của nước này bắn hạ.
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về lạm phát toàn cầu, đồng thời làm tăng thêm mối lo ngại rằng hậu quả từ cuộc chiến Israel - Hamas có thể gây bất ổn ở Trung Đông.
Xem video Houthi rầm rộ tập trận hôm 13/1 sau khi quân đội hai nước Mỹ, Anh ồ ạt tấn công các mục tiêu của lực lượng này ở Yemen. Nguồn: Reuters/Truyền thông Houthi