HP kiện đòi bồi thường 4 tỉ USD dù 'Bill Gates nước Anh' tử nạn trong vụ chìm siêu du thuyền thảm khốc

Hewlett Packard (HP) cho biết sẽ không hủy bỏ vụ kiện với gia đình ông trùm công nghệ quá cố Mike Lynch, từng được ca ngợi là 'Bill Gates nước Anh'.

Tin tức này xuất hiện không lâu sau khi Mike Lynch qua đời trong vụ chìm siêu du thuyền thảm khốc ngoài khơi đảo Sicily (Ý). Mike Lynch cùng với 7 người khác, gồm cả con gái và luật sư hàng đầu của ông, chết đuối khi siêu du thuyền Bayesian của ông bị chìm do vòi rồng.

Trước khi qua đời, Mike Lynch đã vướng vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài với Hewlett Packard Enterprise (HPE). HPE đã mua Autonomy của Mike Lynch vào năm 2011 và sau đó cáo buộc ông định giá công ty này không chính xác.

Năm 2014, HP đã đưa ra quyết định táo bạo là tách công ty thành hai thực thể riêng biệt để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi và tăng cường khả năng cạnh tranh.

HP Inc và HPE:

- HP Inc: Tiếp tục tập trung vào việc sản xuất và bán các sản phẩm tiêu dùng như máy tính cá nhân, máy in và các thiết bị ngoại vi.

- HPE: Tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, bao gồm máy chủ, lưu trữ, mạng, tư vấn và các dịch vụ liên quan.

Mục tiêu của việc tách rời là để mỗi công ty có thể tập trung vào các thị trường mục tiêu và cơ hội tăng trưởng riêng biệt, từ đó mang lại giá trị tốt hơn cho cổ đông và khách hàng.

Một phát ngôn viên của HPE hôm 2.9 cho biết hãng công nghệ này sẽ theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường tới 4 tỉ USD, hiện đã bước sang năm thứ 13.

Angela Bacares, vợ của Mike Lynch - người sống sót sau tai nạn siêu du thuyền, được cho là sẽ tiếp tục cuộc chiến của người chồng quá cố với HPE, trang Fortune đưa tin.

"Vào năm 2022, một thẩm phán Tòa án Tối cao Anh phán quyết rằng HPE đã thành công đáng kể trong các khiếu nại gian lận dân sự với tiến sĩ Lynch và Sushovan Hussain (giám đốc Autonomy). Một phiên điều trần về thiệt hại đã được tổ chức vào tháng 2.2024 và quyết định của thẩm phán liên quan đến thiệt hại mà HPE phải chịu sẽ đến trong thời gian tới. HPE dự định theo đuổi vụ kiện đến cùng”, người phát ngôn HPE nói hôm 2.9.

Tuyên bố này được đưa ra khi ban đầu HPE gửi tuyên bố tới một số hãng thông tấn từ chối bình luận về các vấn đề pháp lý sau thảm kịch của Mike Lynch.

"Chúng tôi không nghĩ rằng việc bình luận về các vấn đề pháp lý trong những hoàn cảnh bi thảm này là phù hợp. Chúng tôi rất buồn vì sự kiện bi thảm đó và xin gửi lời chia buồn đến gia đình, bạn bè của tất cả nạn nhân", người phát ngôn HPE nói.

Thảm kịch chìm siêu du thuyền xảy ra chỉ vài tuần sau khi Mike Lynch và cựu Phó chủ tịch tài chính Autonomy - Stephen Chamberlain được bồi thẩm đoàn thành phố San Francisco (Mỹ) tuyên bố trắng án mọi cáo buộc vào tháng 6.

Bản cáo trạng cáo buộc Mike Lynch và Stephen Chamberlain làm giả các tài liệu tài chính, nói dối các kiểm toán viên và cơ quan quản lý, đàn áp những người chỉ trích các hoạt động tài chính của Autonomy.

HP cho biết sẽ không hủy bỏ vụ kiện với gia đình ông trùm công nghệ quá cố Mike Lynch - Ảnh: Getty Images

HP cho biết sẽ không hủy bỏ vụ kiện với gia đình ông trùm công nghệ quá cố Mike Lynch - Ảnh: Getty Images

“Bill Gates nước Anh” thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 12 năm trước khi tử nạn trên siêu du thuyền

Ngày 22.8, lực lượng cứu hộ Ý đã tìm thấy thi thể của Mike Lynch trong vụ siêu du thuyền bị vòi rồng nhấn chìm ngoài khơi đảo Sicily hôm 19.8, theo hãng tin Reuters.

Điều đáng chú ý là Mike Lynch giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 12 năm đầy kịch tính với hãng công nghệ Autonomy của mình vài tuần trước khi tử nạn trên siêu du thuyền.

Năm 2011, Mike Lynch là tâm điểm của thế giới công nghệ. Được ca ngợi là “Bill Gates nước Anh”, Mike Lynch đã bán Autonomy, công ty quản lý dữ liệu mang tính đột phá của mình, cho HP với giá 11 tỉ USD.

Các cổ đông và nhà bình luận tỏ ra bối rối về việc công ty phần cứng như HP sẽ làm gì với hãng phần mềm và tại sao Autonomy lại có giá trị đến 11 tỉ USD. Thời điểm đó, lãnh đạo HP cho biết Autonomy có tiềm năng biến đổi HP và đưa gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon này bước vào thời kỳ phát triển mới.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra. Một năm sau khi mua lại, HP cho biết giá trị Autonomy giảm sâu và cáo buộc Mike Lynch nói dối về tình hình tài chính của Autonomy. Khiếu nại này đã dẫn đến hàng loạt tranh chấp pháp lý kéo dài hàng thập kỷ.

Sushovan Hussain, một giám đốc Autonomy, đã bị kết tội gian lận vào năm 2018 với bản án 5 năm tù. Các công tố viên liên bang Mỹ đã đưa ra cáo buộc hình sự với Mike Lynch và Stephen Chamberlain, cựu phó chủ tịch tài chính của công ty.

Các cuộc chiến pháp lý của Mike Lynch kết thúc bằng phiên tòa hình sự kéo dài ba tháng tại San Francisco. Sau hai ngày cân nhắc, bồi thẩm đoàn đã tuyên Mike Lynch và Stephen Chamberlain vô tội về mọi tội danh.

"Sự thật cuối cùng đã được chứng minh", Chris Morvillo, luật sư của Mike Lynch, cho biết.

Song trong vòng vài tháng qua, Mike Lynch, Stephen Chamberlain và Chris Morvillo đều đã qua đời.

Cuộc tiếp quản Autonomy thất bại ngay từ đầu

Từng nghiên cứu mạng nơ-ron để lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh), Mike Lynch đã tách Autonomy khỏi công ty trước đó là Cambridge Neurodynamics vào năm 1996.

Sử dụng các thuật toán tinh vi, Autonomy cho phép người dùng sắp xếp và tìm kiếm trong lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc. Đây là một điểm sáng trong ngành công nghệ của Anh và được niêm yết trên chỉ số thị trường chứng khoán ở quốc gia này.

Các khách hàng của Autonomy gồm Oracle, Adobe, Cisco, AT&T và chính HP. Thế nhưng, việc HP mua lại Autonomy lại gây tranh cãi.

Léo Apotheker, giữ chức vụ Giám đốc điều hành HP chưa đầy một năm trước khi bị sa thải, từng cố gắng thay đổi hướng đi của công ty. HP đã phải vật lộn để bán máy in và máy chủ như một phần của hoạt động kinh doanh phần cứng truyền thống. Léo Apotheker muốn tách bộ phận máy tính cá nhân của HP và đặt cược lớn vào việc chuyển công ty sang phần mềm, vốn có biên lợi nhuận cao hơn.

Các nhà phân tích ghét ý tưởng này và một số cổ đông đã kiện HP. Giá trị của HP giảm hơn một nửa. Hội đồng quản trị của HP đã sa thải Léo Apotheker chỉ vài tuần sau quyết định mua Autonomy, thậm chí trước khi thỏa thuận hoàn tất.

Meg Whitman (người kế nhiệm Léo Apotheker) đã sa thải Mike Lynch và giảm giá trị của Autonomy xuống 8,8 tỉ USD (điều chỉnh giá trị sổ sách), cho thấy HP trả quá cao khi mua lại công ty này. James B. Stewart, nhà báo của tờ New York Times, lập luận rằng đây là vụ mua lại tồi tệ nhất trong lịch sử công ty, thậm chí còn tệ hơn vụ AOL mua lại Time Warner.

Trong một động thái gây sốc, HP đã cáo buộc Mike Lynch gian lận vào năm sau đó. HP cáo buộc Mike Lynch và cựu giám đốc tài chính Hussain đã thổi phồng số liệu bán hàng của Autonomy. FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) và Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng của Vương quốc Anh đều đã mở cuộc điều tra.

Mike Lynch kiên quyết phủ nhận cáo buộc về hành vi sai trái. Ông chỉ ra rằng Autonomy đã được Deloitte kiểm toán, nhưng công ty này không phát hiện ra vấn đề. Mike Lynch cho biết HP đã kìm hãm Autonomy bằng sự quản lý yếu kém cùng thủ tục quan liêu khiến nhân viên phải nghỉ việc và cản trở doanh số bán hàng.

Ông tuyên bố văn hóa tại HP rất độc hại. "Giống như lên máy bay, nhận ra động cơ đang bốc cháy, rồi lên buồng lái chỉ để thấy các phi công đang đánh nhau", Mike Lynch nói với tờ The Telegraph thời điểm đó.

Theo tờ The New York Times, các luật sư đại diện cho các cổ đông trong vụ kiện HP đã có được một bản sao của báo cáo thẩm định do hãng kiểm toán KPMG chuẩn bị cho Autonomy. Báo cáo này cho biết Autonomy không đủ minh bạch với tài chính của mình, nhưng Léo Apotheker vẫn tiến hành thương vụ mua lại, cho rằng tiềm năng của Autonomy là đáng giá.

Vũng lầy pháp lý

Vào tháng 1.2015, Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng của Vương quốc Anh thông báo kết thúc cuộc điều tra về Autonomy, vì thấy không đủ bằng chứng để hành động pháp lý, dù đã chuyển một số vấn đề cho Bộ Tư pháp Mỹ.

Những tháng tiếp theo, HP và Mike Lynch đã kiện nhau tại Vương quốc Anh. Khi những vụ án đó đi qua hệ thống tòa án Anh, các công tố viên Mỹ vẫn tiếp tục điều tra việc HP mua lại Autonomy. Năm 2016, họ đưa ra cáo buộc gian lận với Sushovan Hussain (giám đốc Autonomy), người bị kết tội trong phiên tòa xét xử của bồi thẩm đoàn năm 2018. Các cơ quan quản lý Anh đã chính thức cấm Sushovan Hussain tham gia ngành tài chính đầu năm 2024 sau khi ông hoàn thành bản án 5 năm tù tại Mỹ.

HP đã bán tháo Autonomy, bán một số bộ phận của công ty này vào năm 2016 và 2017.

Vào tháng 11.2018, các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ đã trực tiếp truy tố Mike Lynch và Stephen Chamberlain. Bản cáo trạng của họ cáo buộc Lynch và Chamberlain làm giả các tài liệu tài chính, nói dối các kiểm toán viên và cơ quan quản lý, đàn áp tiếng nói những người chỉ trích các hoạt động tài chính của Autonomy.

Mike Lynch không còn chỉ đối mặt với các vụ kiện dân sự về tiền bạc mà cả viễn cảnh ngồi tù lên đến 20 năm.

Trong nhiều năm, Mike Lynch đã chiến đấu để tránh bị dẫn độ sang Mỹ. Là người có tầm ảnh hưởng trong các vòng tròn chính trị Anh, Mike Lynch từng cố vấn cho David Cameron khi ông này là Thủ tướng Anh và ngồi ghế hội đồng quản trị của BBC cùng Bảo tàng Anh. Lynch và các luật sư đã lập luận rằng các vấn đề pháp lý của ông nên được giải quyết tại Anh, không phải Mỹ. Các luật sư của Mike Lynch cho rằng luật hình sự ở Mỹ không công bằng với ông.

Vụ kiện của HP chống lại Mike Lynch cuối cùng được đưa ra xét xử vào năm 2019. Léo Apotheker khai rằng sẽ từ bỏ việc mua lại Autonomy nếu hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của công ty này. Mike Lynch lập luận rằng toàn bộ sự hỗn loạn này được dàn dựng bởi Meg Whitman (người kế nhiệm Léo Apotheker), vốn ấp ủ tham vọng chính trị (từng tranh cử Thống đốc ở bang California và hiện là Đại sứ Mỹ tại Kenya) và muốn đổ lỗi cho người khác về những thất bại của Autonomy.

Robert Hildyard, thẩm phán giám sát vụ án, đã ra phán quyết chủ yếu có lợi cho HP. Trong một phán quyết năm 2022 dài hơn 1.700 trang, Robert Hildyard viết rằng HP đã trả quá nhiều tiền cho Autonomy vì sự gian dối của Mike Lynch và Sushovan Hussain. Robert Hildyard vẫn chưa quyết định số tiền họ sẽ phải bồi thường thiệt hại, nhưng cho rằng số tiền đó sẽ "ít hơn đáng kể" so với 5 tỉ USD mà HP yêu cầu.

Khi không phải đấu tranh pháp lý, Mike Lynch vẫn tiếp tục là một doanh nhân. Ông đã thành lập công ty đầu tư mạo hiểm Invoke Capital, đầu tư và giúp điều hành hãng an ninh mạng Darktrace, theo trang Politico đưa tin. Darktrace có mối quan hệ sâu sắc với các cơ quan tình báo của Anh.

Phiên tòa hình sự kéo dài ba tháng tại thành phố San Francisco (Mỹ) đã kết thúc gần đây với việc bồi thẩm đoàn tuyên Mike Lynch và Stephen Chamberlain vô tội về mọi tội danh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hp-kien-doi-boi-thuong-4-ti-usd-du-bill-gates-nuoc-anh-tu-nan-trong-vu-chim-sieu-du-thuyen-tham-khoc-223334.html