HS bị bỏ quên tử vong trên xe:Đừng để sự tắc trách thành tội ác
Xin đừng để sự vô trách nhiệm của người lớn thành tội ác với trẻ em. Nhà trường phải là nơi giáo dục, môi trường an toàn cho thế hệ tương lai.
Sự việc học sinh lớp 1 tử vong vì giáo viên để quên bé trên xe đưa đón suốt cả một ngày trời, xảy ra ở một ngôi trường hiện đại, ngay giữa thủ đô đã gây bàng hoàng dư luận.
Dù giải thích bất kỳ lý do gì cũng không thể biện minh cho sự tắc trách của thầy cô giáo, ban giám hiệu nhà trường khi để xảy ra sự việc này. Nó phải chăng cho thấy, một số trường được quảng cáo đầu tư nhiều triệu đô la về cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu đi trách nhiệm, sự tận tâm của mỗi cán bộ, giáo viên dành cho những thiên thần bé nhỏ?
Thật khó có ngôn từ nào có thể mô tả hết nỗi đau mà bố mẹ cùng gia đình cháu bé đang phải trải qua khi vừa buổi sáng con trai kháu khỉnh của mình tươi vui cùng bố mẹ đến trường, buổi chiều đã mãi mãi ra đi vì một lý do không thể vô trách nhiệm hơn của nhà trường là: để quên cháu trên xe đưa đón học sinh suốt một ngày trời mà không hề hay biết.
Thật khó có thể xoa dịu sự phẫn nộ và kèm theo đó là sự hoang mang đến tột bậc của các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 khi sự việc xảy ra ngay giữa thủ đô, ở một ngôi trường được quảng cáo là hiện đại bậc nhất như vậy.
Trước khi để xảy ra vụ "quên" học sinh dẫn tới tử vong này, trường Phổ thông Liên cấp Quốc tế Gateway ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tự giới thiệu là ngôi trường được đầu tư hiện đại đồng bộ, có trị giá hàng chục triệu đô la; có khát vọng mang đến cho cộng đồng Việt Nam một hệ thống giáo dục hiện đại, trường học kiểu Mỹ, đẳng cấp thế giới; Rằng đội ngũ giáo viên Gateway được đào tạo thường xuyên và bài bản, đảm bảo nguồn lực chất lượng giáo viên đáp ứng theo khung năng lực đối chiếu theo tiêu chuẩn khung năng lực của Anh, Mỹ với cả kỹ năng sư phạm và kỹ năng mềm. Tất nhiên đi đôi với "chất lượng hàng đầu" như quảng cáo là chi phí cũng giá trên trời, hơn 180 triệu đồng một em mỗi năm học.
Vậy kỹ năng mềm của thầy cô và cán bộ công nhân viên chức nhà trường này tới đâu khi đưa đón các em, thiếu, đủ học sinh ra sao cũng không hề hay biết? Ở đây cho thấy một sai phạm, vô trách nhiệm mang tính hệ thống. Bởi cô phụ trách đón các em quên kiểm tra quân số, lái xe cũng không rà soát, kiểm tra trên xe sau khi trả các em ở điểm đến - một quy trình thường nhật đến người bình thường nhất cũng biết phải làm điều đó. Nhưng cô đưa đón không biết, lái xe không hay, rồi đến giáo viên chủ nhiệm cũng bảo làm "đúng quy trình" nhưng giữa gia đình và nhà trường rõ ràng là không có mối liên hệ trực tiếp, kịp thời.
Khi sự việc xảy ra thì nhà trường ban đầu còn vòng vo, lảng tránh, rằng đã kịp thời, đã làm hết trách nhiệm, nhưng rất tiếc không cứu được cháu bé. Trong khi sự thật là cháu bé đã tử vong trước khi nhà trường phát hiện ra.
Sự việc cho thấy, dù mỗi cơ sở đào tạo hiện đại đến đâu, đầu tư lớn đến mức nào, quy trình đầy đủ ra sao nhưng yếu tố con người vẫn là then chốt. Nếu mỗi cá nhân tắc trách, vô trách nhiệm, lơ là một chút thôi cũng có thể gây ra thảm họa với trẻ nhỏ. Tiếp xúc, chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, không chỉ bằng quy trình, quy định mà cao hơn hết là bằng trách nhiệm và tình thương yêu của các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường.
Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của nhiều trường tư thục với những lời quảng cáo có cánh về quy mô, về sự hiện đại, sự hoành tráng, nhưng chất lượng có đi kèm, đặc biệt là phần chăm sóc các em ra sao vẫn còn là một dấu hỏi. Thường mỗi trường trước khi vào hoạt động cũng đầy đủ giấy phép, ban hành quy trình, quy định rất chặt chẽ, kín kẽ. Nhưng ai kiểm tra, giám sát trong quá trình thực thi, từ kiểm tra nội bộ của nhà trường cho tới các ngành các cấp thì vẫn là một khoảng trống chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Trở lại vụ việc đau lòng vừa xảy ra, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra tội Vô ý làm chết người. Đại diện lãnh đạo nhà trường sau một hồi quanh co cũng đã nhận trách nhiệm vụ việc. Nhưng trách nhiệm dù tới đâu cũng không thể bù đắp được nỗi mất mát quá lớn này của gia đình cháu bé. Trách nhiệm lớn nhất của chính mỗi người lớn chúng ta, mỗi tổ chức là làm sao để không xảy ra một trường hợp tương tự nào nữa.
Để được như vậy thì cần rà soát kiểm tra quy trình hoạt động của tất cả các trường. Và việc làm đó phải là thường xuyên, làm nghiêm túc chứ không phải sau vụ việc rộ lên tổng kiểm tra rà soát, sau một thời gian rồi lại lắng xuống. Để các quy trình chỉ nằm trên văn bản và để phục vụ cho các báo cáo các cấp và quảng cáo thu hút học sinh.
Xin đừng để sự vô trách nhiệm của người lớn thành tội ác với trẻ em. Nhà trường phải là nơi giáo dục, môi trường an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước, chứ không phải chỉ đơn thuần là nơi đầu tư kinh doanh coi như một món hời của một số nhà đầu tư.