HSBC cấp tín dụng xanh đầu tiên cho điện gió Việt Nam
Đây là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước, và là khoản tín dụng xanh thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ngân hàng HSBC Việt Nam mới đây xác nhận thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn trong lĩnh vực tổng thầu xây lắp các dự án năng lượng tái tạo cho CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1) – một doanh nghiệp hàng đầu về tổng thầu xây dựng điện.
Trong lần hợp tác đầu tiên này, PCC1 sẽ phối hợp chặt chẽ với HSBC Việt Nam trong quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng nghiêm ngặt về tài chính bền vững của HSBC, được kiểm soát bởi Ủy ban cho vay bền vững của HSBC tại châu Á – Thái Bình Dương.
Đây là bộ phận chuyên trách của ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong tài trợ thành công các dự án tín dụng xanh ở các lĩnh vực khác nhau trên thế giới.
Khoản tín dụng xanh cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của bộ nguyên tắc tín dụng xanh quốc tế do Hiệp hội thị trường cho vay (Loan Market Association) và Hiệp hội thị trường cho vay châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Loan Market Association) phối hợp ban hành.
Bộ nguyên tắc gồm bốn tiêu chí cốt lõi, bao gồm sử dụng khoản vay, tuyển chọn và đánh giá dự án, quản lý khoản vay và báo cáo.
Khoản vay với hạn mức thương mại ngắn hạn sẽ hỗ trợ nhu cầu về vốn lưu động của doanh nghiệp đối với các hoạt động trong hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (hợp đồng tổng thầu EPC) trong ngành năng lượng gió.
Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết: “Ở Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu gói tín dụng xanh đầu tiên, cũng như khoản tín dụng xanh đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Giờ đây, chúng tôi đặc biệt vui mừng thu xếp khoản tín dụng xanh cho PCC1 trong ngành điện gió – lĩnh vực rất hứa hẹn và tiềm năng nếu xét về điều kiện tự nhiên và nhu cầu của Việt Nam”.
Giao dịch này cũng thể hiện nỗ lực của HSBC nhằm ủng hộ Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm ưu tiên các nguồn năng lượng sạch.
Cùng với văn bản 795/TTg-CN tháng 6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung thêm 7GW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành, có rất nhiều cơ hội đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT PCC1, chia sẻ: “CTCP Xây lắp điện I đánh giá cao ngân hàng HSBC trong việc cung cấp gói tài trợ thương mại tín dụng xanh. Điều này không chỉ có ý nghĩa rất hữu ích về mặt tài chính đối với hoạt động tổng thầu xây lắp điện và các hoạt động kinh doanh xây dựng điện của công ty, mà còn đặc biệt phù hợp với các cam kết phát triển bền vững, hướng đến các hoạt động kinh doanh gắn liền trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường của công ty”.
Rủi ro tài chính khi các dự án điện gió trên bờ 'lỡ hẹn' giá FIT
Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.
Khối nghiên cứu toàn cầu HSBC đánh giá Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.
Theo báo cáo triển vọng thị trường của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu công bố vào tháng 6/2020, Việt Nam hiện nằm trong số năm thị trường hàng đầu tại châu Á có các dự án lắp đặt điện gió ngoài khơi mới vào năm 2030, với tổng công suất là 5,2GW trong giai đoạn 2020 – 2030.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong số các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, Việt Nam đang có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong tháng 3 cho thấy các dự án điện gió với tổng công suất 4,4GW đang được xây dựng, trong khi các dự án khác với tổng công suất 6,2GW sẽ được phát triển trong giai đoạn 2022 – 2025.
Tiềm năng to lớn trong ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực điện gió nói riêng mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp năng lượng, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính trong cuộc chơi sôi động này.
Tại Việt Nam, HSBC đã khẳng định chiến lược xanh của mình với nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính bền vững được cung cấp và hỗ trợ liên tục cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ngân hàng này đã cung cấp tín dụng xanh cho tòa nhà văn phòng tại TP.HCM, dự án nhà máy tái chế nhựa đầu tiên của Duy Tân, và khoản tín dụng xanh kép cho các dự án năng lượng mặt trời áp mái của CTCPCơ điện lạnh.
Về mảng ngân hàng bán lẻ, HSBC Việt Nam cũng hỗ trợ khách hàng cá nhân với khoản tín dụng xanh để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà, và tín dụng xanh cho vay mua nhà.