HSBC: Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và các nước châu Á

Chuyên gia HSBC cho rằng, phần lớn các dự án FDI đầu tư vào khu vực châu Á tập trung vào lĩnh vực sản xuất, củng cố vị trí của khu vực với tư cách là một trung tâm thương mại toàn cầu.

Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và các nước châu Á. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và các nước châu Á. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/7, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo "Asia chart of the week - Dòng đầu tư vẫn chảy" đánh giá về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của châu Á. Đại dịch COVID-19 đã không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI của khu vực này và đây vẫn là một đích đầu tư tương đối tốt trong bối cảnh hiện nay.

Theo HSBC, bất chấp những ồn ào về triển vọng tăng trưởng mờ nhạt và xu hướng địa phương hóa, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào châu Á. Thêm nữa, phần lớn các dự án đầu tư này tập trung vào lĩnh vực sản xuất, củng cố vị trí của khu vực với tư cách là một trung tâm thương mại toàn cầu.

ASEAN đã vượt qua Trung Quốc đại lục trong 2 năm liên tiếp và Ấn Độ cũng đang vươn lên, nhất là về đầu tư mới, thay vì tái đầu tư. Ngoài ra, các nhà sản xuất từ Trung Quốc đại lục cũng đang tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế khác, đặc biệt là ở ASEAN.

Tương quan với quy mô của các nền kinh tế, dòng vốn đầu tư chảy đặc biệt nhiều vào Việt Nam, Malaysia, Australia và New Zealand; chảy ít hơn vào Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản. Tuy nhiên, nhìn chung, đại dịch không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI châu Á. Đây vẫn là một đích đầu tư tương đối tốt bất kể các thông tin thời sự.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước châu Á. (Nguồn: HSBC)

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước châu Á. (Nguồn: HSBC)

Theo HSBC, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các nước trên thế giới đã sụt giảm một thời gian sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 như một phần của xu hướng "đảo ngược toàn cầu hóa" và "phân mảnh địa kinh tế." Ngược lại, dòng vốn FDI vào châu Á tiếp tục tăng cao hơn với bước nhảy vọt đáng chú ý trong ba năm qua.

“Có thể thấy, đại dịch ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư chảy vào khu vực này. Một hình ảnh sôi động với dòng vốn FDI vào châu Á tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xem xét kỹ hơn. Là một nơi thu hút FDI, Trung Quốc đại lục thường xuyên nhận được lượng lớn dòng vốn đổ vào. Năm ngoái, nền kinh tế này đã nhận được lượng đầu tư cao kỷ lục mặc dù nhu cầu sụt giảm và những thách thức đi kèm với chiến lược ‘zero COVID’.
Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào ASEAN đã tăng vọt, khu vực này nhận được nhiều vốn hơn Trung Quốc đại lục trong hai năm liên tiếp đồng thời, dòng vốn chảy vào Ấn Độ cũng đang có xu hướng tăng lên, nhưng xét về tổng thể thì vẫn còn thấp hơn nhiều,” chuyên gia HSBC nhận xét.

Dòng vốn đầu tư chảy đặc biệt nhiều vào Việt Nam, Malaysia, Australia và New Zealand. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dòng vốn đầu tư chảy đặc biệt nhiều vào Việt Nam, Malaysia, Australia và New Zealand. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo chuyên gia HSBC, có nhiều cách nhìn nhận cho vấn đề này. Đầu tiên, các chỉ số FDI chính bao gồm nguồn vốn cho các dự án đầu tư hoàn toàn mới và thu nhập từ tái đầu tư, chẳng hạn như mở rộng quy mô hoạt động hiện tại. Đầu tư mới được hiểu là khoản đầu tư hoàn toàn mới được rót vào để thành lập hoạt động mới, chưa từng tồn tại trước đây.

Ở Trung Quốc đại lục đã có sự sụt giảm đáng kể, nhưng các khoản đầu tư mới vào Ấn Độ lại tăng vọt và giờ bắt đầu lấn sang ASEAN, nơi vốn FDI mới cũng đã tăng. Điều đó đồng nghĩa các dự án đầu tư mới chủ yếu hướng đến Đông Nam Á và Ấn Độ. Bên cạnh đó, các công ty cũng không “từ bỏ” Trung Quốc đại lục: Tổng vốn FDI kỷ lục vào năm ngoái cho thấy những công ty đã có chỗ đứng trên thị trường đang tiếp tục mở rộng hoạt động.

Tuy nhiên, các dòng FDI đóng vai trò thế nào trong bức tranh tổng thể? Câu trả lời là khá quan trọng. Thứ nhất, đầu tư xuyên biên giới giúp phổ biến công nghệ, nâng cao năng suất nền kinh tế ở quốc gia sở tại và nơi được rót vốn, đồng thời giúp thúc đẩy thương mại và kết nối quốc tế. FDI cũng đóng góp trực tiếp vào GDP dưới hình thức các khoản chi đầu tư.

Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Samsung là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Austrailia và Philippines, dòng vốn FDI chiếm hơn 2% GDP. Ngược lại, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Bangladesh, dòng vốn FDI chiếm khoảng 1% GDP hoặc ít hơn.

Và bức tranh tổng thể không thể hiện sự suy giảm, có lẽ nói đúng hơn là có sự dịch chuyển nhưng dòng vốn FDI nói chung vẫn duy trì ổn định bền vững.

“Châu Á vẫn là một địa điểm khá tốt để đầu tư,” chuyên gia HSBC nhận định./.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng của năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,4 tỷ USD và bằng 95,7% cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án ước đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, cả nước có 37.541 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 449,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án là hơn 284 tỷ USD, bằng 63,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hsbc-dong-von-fdi-chay-manh-vao-viet-nam-va-cac-nuoc-chau-a/875784.vnp