HSBC: Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất ASEAN

Bà Amanda Murphy và ông Ahmed Yeganeh cho rằng Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong giai đoạn 2022-2023 và dự kiến duy trì vị trí này cho đến năm 2025.

Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á - Thái Bình Dương và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam mới đây đã đưa ra một số dự báo về tăng trưởng của hoạt động kinh tế số tại khu vực ASEAN và Việt Nam.

Thị trường số đang nở rộ tại ASEAN và Việt Nam

Theo đó, cả 2 vị chuyên gia tại HSBC đều nhìn nhận dù đang trong giai đoạn được xem là "mùa đông gọi vốn", Đông Nam Á vẫn là nơi có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới khi hoạt động này tại khu vực đã gia tăng 12% vào năm ngoái và dự kiến ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 16%, đạt giá trị gần 1.000 tỷ USD đến năm 2030.

ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam.

ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam.

Tiềm năng này được thúc đẩy một phần nhờ dân số 700 triệu người của ASEAN, phần đông là dân số trẻ, có giáo dục và am hiểu công nghệ, và tập người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.

Thông qua các cuộc thảo luận với khách hàng, gần đây nhất là tại Hội nghị Đầu tư Toàn cầu do HSBC tổ chức trong tháng 4, lãnh đạo HSBC nhận thấy thị trường ASEAN đàng ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Nhận định này cũng được phản ánh qua kết quả khảo sát gần đây mà ngân hàng đa quốc gia này thực hiện với các doanh nghiệp hoạt động tại ASEAN khi có đến 74% trong số doanh nghiệp được khảo sát có ý định tăng cường đầu tư vào khu vực trong năm 2024.

Nhìn cận cảnh vào Việt Nam, bà Amanda Murphy và ông Ahmed Yeganeh cho rằng Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong giai đoạn 2022-2023 và dự kiến duy trì vị trí này cho đến năm 2025.

Đồng thời, Việt Nam cũng được dự báo sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm gần 97% người dùng internet. Đáng chú ý, Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng, vào năm ngoái, lĩnh vực này đã đóng góp 16,5% vào GDP, với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022", lãnh đạo HSBC chia sẻ thêm.

Trong khảo sát gần đây của tổ chức tài chính này, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết có dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, những công ty này tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á - Thái Bình Dương

Bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh này, HSBC cho rằng nguồn vốn đã trở thành huyết mạch đối với các công ty đổi mới. Do vậy, ngân hàng đã tăng cường các dịch vụ dành cho các công ty kinh tế số thông qua việc ra mắt Quỹ tăng trưởng ASEAN trị giá 1 tỷ USD. Quỹ có mục đích hỗ trợ tài chính cho các công ty kinh tế số có khả năng sinh dòng tiền bền vững, kể cả khi không đạt được các chỉ số tài chính truyền thống.

Mùa xuân thịnh vượng phía trước

Hai năm vừa qua đã chứng kiến nhiều thử thách trong hoạt động tìm kiếm nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh tế số, nhưng chúng ta có nhiều lý do để lạc quan hơn vào năm 2024.

Sự phục hồi kinh tế đang thúc đẩy tiêu dùng trong nhóm 670 triệu dân đang ngày càng thịnh vượng hơn, khi trung bình cứ hai giây lại có một người tham gia vào tầng lớp trung lưu. Khu vực ASEAN sở hữu một trong những tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật số cao nhất thế giới, trong khi thương mại điện tử đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm ngoái.

Các phương pháp tiếp cận tài chính tiên tiến và những điều kiện cơ bản mạnh mẽ của khu vực sẽ giúp thúc đẩy tham vọng phát triển của các doanh nghiệp tại ASEAN. Và Việt Nam, với vai trò là một trong những thành viên của khối, chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

Giang Phạm

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/hsbc-kinh-te-so-viet-nam-tang-truong-manh-nhat-asean-76497.html