HSBC: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực năm 2024
HSBC dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%, dẫn đầu khu vực, một con số ấn tượng vào năm 2023, song, đây cũng chỉ là bắt đầu của con đường tăng trưởng phía trước.
Với kết quả GDP quý 3/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,24% trong 9 tháng đầu năm.
Trước kết quả này, ông Frederic Neumann, Giám đốc Điều hành, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC dự báo, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 5% trong năm 2023, đồng nghĩa, tăng trưởng quý 4 sẽ khoảng 6%, khi bứt phá trong 3 tháng cuối năm.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng năm nay thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ, song đây là mức hồi phục phi thường khi so sánh với các nền kinh tế khác, theo HSBC.
Nhận định này được ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, nêu tại hội thảo về triển vọng kinh doanh với tiêu đề "Con đường phía trước", ngày 10/10.
Trong khi đó, ông Frederic dự báo năm 2024, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%, một con số ấn tượng nếu so với mức dự báo 2,3% của toàn thế giới, 4,6% của Trung Quốc, 4,5% của Malaysia hay 5,2% của Philippines.
Động lực đầu tiên cho kinh tế Việt Nam năm sau được chuyên gia HSBC chỉ ra là chi tiêu nội địa, gồm tiêu dùng và mua sắm Chính phủ, được dự báo tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2022.
Theo nghiên cứu của HSBC, hiện tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam nằm trong top 10 các thị trường toàn cầu. Số lượng người trưởng thành có tài sản trên 250.000 USD, tương đương khoảng 6 tỷ đồng tăng lên nhanh chóng, hứa hẹn sẽ gia tăng chi tiêu mạnh mẽ hơn nữa.
Động lực thứ hai, theo ông Frederic Neumann, xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2024 khi lực cầu trở lại, giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt trên 31,4 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, giá trị xuất khẩu đạt gần 260 tỷ USD, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022.
"Một trong những lý do sản xuất năm nay yếu vì tình trạng quá mua trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm đi, người tiêu dùng quay sang đi du lịch, đến nhà hàng. Nhưng tình thế này sẽ xoay chiều trong năm sau khi cơ cấu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thay đổi, dịch vụ có thể giảm tốc, còn sản xuất tăng trở lại do nhu cầu mua sắm tăng cao", chuyên gia HSBC phân tích.
Điều này có nghĩa nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng, giúp xuất khẩu cải thiện, hỗ trợ tăng trưởng.
Một động lực không thể thiếu, theo HSBC là FDI. Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, HSBC nhận định, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.
Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ đầu năm tới giờ đã vượt mức đầu tư mỗi năm trong ba năm vừa qua một cách đáng ngạc nhiên.
Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á HSBC đánh giá, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI trong thời gian tới, không chỉ những lĩnh vực truyền thống, mà sẽ đặc biệt chú trọng vào kinh tế xanh, năng lượng sạch, những ngành phục vụ cho xuất khẩu, các lĩnh vực liên quan tới tiêu dùng nội địa như chăm sóc sức khỏe, lưu trú, bán lẻ, tài chính…
Đề cập đến thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam 2024, ông Frederic cho rằng nếu loại trừ các yếu tố mang tính toàn cầu như giá năng lượng và giá thực phẩm, lạm phát không phải là mối đe dọa chính. Rủi ro lớn nhất đến từ bên ngoài, nếu tăng trưởng kinh tế thế giới không đạt như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hồi phục xuất khẩu của Việt Nam.