HSBC: Việt Nam vẫn có lợi thế về nhân khẩu học và dân số trẻ
Theo Khảo sát Kết nối Toàn cầu HSBC, cơ hội và điểm thu hút của nền kinh tế Việt Nam là đà tăng trưởng 8% trong năm 2022 trong quá trình vươn lên khỏi đại dịch Covid-19 và hưởng lợi từ sự đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam, điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp quốc tế
Nghiên cứu của HSBC cho thấy nền kinh tế kiên cường và mức lương cạnh tranh của Việt Nam (được nhận định bởi 28% công ty tham gia khảo sát), cùng lực lượng lao động lành nghề (27%) là hai yếu tố hàng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Một số doanh nghiệp quốc tế coi thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng của Việt Nam là một cơ hội, với 27% nhấn mạnh sự thịnh vượng của người tiêu dùng đang gia tăng là một điểm hấp dẫn.
Trong đó, những người nắm quyền quyết định trong các công ty Trung Quốc và Ấn Độ (32% và 41%) nhấn mạnh cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng tại thị trường có tầm cỡ này. Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng chỉ ra cơ hội phát triển và thử nghiệm sản phẩm cũng như giải pháp mới, với 45% trong số đó nói rằng điều này thu hút họ đến đây để mở rộng hoạt động.
Theo HSBC, khoảng 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng nhìn thấy lợi thế của Việt Nam về nhân khẩu học và dân số trẻ. Thêm vào đó, tầm quan trọng của Việt Nam trong dòng chảy thương mại toàn cầu được phản ánh qua sự quan tâm mạnh mẽ đối với các hiệp định thương mại tự do.
Một lợi thế khác tại Việt Nam, đó là tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và là khu vực khởi nghiệp sôi động, đồng thời, tăng trưởng về thương mại điện tử là một điểm mạnh thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế. Cụ thể, 23% doanh nghiệp nói rằng họ bị thu hút bởi nền kinh tế số đang phát triển của Việt Nam. Các doanh nghiệp Ấn Độ có khả năng bị thu hút bởi những cơ hội trực tuyến nhất, với 39% coi đây là lý do để họ mở rộng kinh doanh.
Ba trong số 10 công ty tham gia khảo sát tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong vòng 10 năm tới nhờ những thay đổi về công nghệ; 35% doanh nghiệp quốc tế có hoạt động tại Việt Nam tin rằng AI (trí tuệ nhân tạo) và máy học sẽ tạo ra thay đổi lớn.
Tuy nhiên, chi phí là trở ngại chính khi nói đến số hóa. Trong đó, 42% doanh nghiệp có hoạt động ở Việt Nam quan ngại về chi phí bảo trì, còn 41% cho rằng chi phí triển khai là một thách thức.
... vẫn còn những thách thức
Theo HSBC, khác biệt văn hóa và sự phát triển của môi trường pháp lý là hai thách thức lớn nhất cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. 31% công ty nước ngoài nhắc đến khó khăn về văn hóa và 30% nói về thách thức trong việc thích nghi với các quy định và chính sách thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Đặc biệt, 40% các công ty Úc nói rằng họ đã phải giải quyết các vấn đề về văn hóa ở Việt Nam. Các công ty Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc) (32% và 34%) cùng nhận định rằng thích nghi với môi trường pháp lý là thách thức chính đối với họ.
Một yếu tố khác đó là ESG. Theo Khảo sát, các công ty đang hoạt động tại Việt Nam đều chú ý tới các vấn đề ESG và đang đầu tư vào bền vững. Hơn ba phần tư (76%) đang có kế hoạch chi ít nhất 5% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho các sáng kiến bền vững trong vòng 12 tháng tới. Đánh giá lại mức độ bền vững của nhà cung ứng là ưu tiên hàng đầu, với 44% doanh nghiệp đang triển khai việc này và đa dạng sinh học là một vấn đề lớn: 41% nói rằng họ đang khuyến khích các chuỗi cung ứng có lợi cho tự nhiên.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp quốc tế đang lo ngại về khả năng tuyển dụng nhân viên có chuyên môn về bền vững, với 37% công ty tham gia khảo sát lựa chọn. Đây là một thay đổi so với khảo sát năm 2022, khi thiếu sự hỗ trợ của chính phủ được nhận định là trở ngại số 1.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc của HSBC Việt Nam nhận định, cùng với lực lượng lao động lành nghề chăm chỉ và cơ cấu chi phí cạnh tranh, sự kiên cường này tiếp tục thu hút dòng FDI mạnh mẽ vào Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện của Việt Nam không chỉ xoay quanh FDI và xuất khẩu.
“Tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh cũng là một cơ hội thực sự cho các công ty quốc tế kỳ vọng trở thành một phần của câu chuyện tiêu dùng mà trong đó Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030. Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài và chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự quan tâm lớn đối với câu chuyện của Việt Nam từ khách hàng khắp nơi trong mạng lưới HSBC”, ông Tim Evans nhấn mạnh.
Việt Nam chiếm một phần không nhỏ trong khảo sát của HSBC với 880 doanh nghiệp (27%) cho biết họ đã có hoạt động tại quốc gia này. Trong đó, 53% đang ưu tiên tăng trưởng ở đây trong vòng hai năm tới.
Trong số các công ty chưa thiết lập hoạt động ở Việt Nam, 13% đang có kế hoạch vào Việt Nam trong vòng hai năm tới. Các doanh nghiệp có trụ sở tại vùng Vịnh GCC (UAE, KSA, Bahrain, Qatar, Oman, Kuwait) đặc biệt quan tâm đến thị trường này, với gần 1/5 (19%) công ty chọn Việt Nam là một thị trường mới cần ưu tiên.