HTX chăn nuôi 'thiệt đơn thiệt kép', vừa làm vừa ôm mối lo

Ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, giá bán không cao. Điều này không chỉ khiến nông dân, HTX giảm nguồn thu, ôm mối nợ mà còn khiến thị trường đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung. Chính vì vậy, rất cần sự đồng hành từ phía tổ chức tín dụng và các cơ quan quản lý để giúp nông dân, HTX vượt qua thời điểm khó khăn này.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng tăng cao. Nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, trên cả nước đã có 613 ổ dịch tại 42 tỉnh và đã phải tiêu hủy hơn 38.000 con lợn.

Bán non để... chạy dịch

Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Tú Lý (Đà Bắc, Hòa Bình) vừa có một số thành viên phải thực hiện tiêu hủy 19-30 con lợn do mặc dịch tả lợn Châu phi vào tháng 5 vừa qua.

Đang căng mình chăn nuôi, anh Lương Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Mu Hom (Lạng Sơn) cho biết, HTX bị ám ảnh không nhỏ vì trong quá khứ từng phải tiêu hủy gần 700 con lợn, trị giá khoảng 4 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tuần. Trong khi Lạng Sơn đang là một trong những địa phương có tình hình dịch bệnh trên đàn lợn phức tạp.

Đánh giá chung của ngành nông nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khiến tổng đàn lợn nái trên cả nước sụt giảm khoảng 11%, trong đó lợn trong dân giảm 12-15%. Lợn trong doanh nghiệp giảm từ 5-7%.

Dịch bệnh khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn, thậm chí phải ôm nợ vì chi phí đầu tư lớn.

Dịch bệnh khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn, thậm chí phải ôm nợ vì chi phí đầu tư lớn.

Tình trạng dịch bệnh diễn ra khiến nhiều nông dân, HTX phải bán lợn chạy đàn từ khi lợn còn nhỏ cân, từ đó gây ra tình trạng hao hụt cao hơn khiến sản lượng lợn xuất bán của Việt Nam giảm trên dưới 20%.

Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá lợn hơi tăng trong vào 6 tháng đầu năm. Dù giá lợn tăng nhưng nhiều HTX, hộ chăn nuôi đứng trước rất nhiều rủi ro bởi dịch bệnh phát triển nhanh và mạnh.

Nhiều tổ hợp tác, HTX chăn nuôi không dám nuôi lợn nái vì mất nhiều thời gian. Thay vào đó là chuyển sang nuôi lợn gột, tức là lợn đã nuôi đạt được số cân nặng nhất định được HTX mua về để nuôi tiếp. Khi lợn tăng thêm khoảng 30-50kg sẽ bán, giúp hạn chế rủi ro, kịp bảo toàn nguồn vốn.

Đó là trong chăn nuôi lợn. Còn trong chăn nuôi gia cầm, từ đầu năm đến nay nhiều HTX cũng phải đối mặt với tình trạng giá gà thương phẩm, gà giống, trứng thời điểm xuất chuồng và bán xuống thấp. Nhiều thời điểm, giá một số loại gà xuất chuồng chỉ dao động quanh mức 40.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi càng gặp khó khăn, buôn bán kém sôi động.

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh, giá cả đang ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng, nguồn thu của các HTX chăn nuôi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, HTX, tổ hợp tác phải đối mặt với nguy cơ bị lỗ, sản xuất không đủ bù chi. Nhất là với những HTX chẳng may bị dịch bệnh, nguy cơ mất trắng là rất cao vì dịch bệnh trong gia súc, gia cầm diễn ra rất nhanh, người chăn nuôi “thường trở tay không kịp”.

Ông Đào Xuân Hải, Giám đốc HTX chăn nuôi Hải Thêu (Vĩnh Phúc), cho biết đầu ra ảm đạm, giá gia cầm xuống thấp khiến HTX gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm vẫn thấp thỏm vì các loại dịch, trong đó có dịch cúm phát triển vì thời tiết thất thường. Nếu chẳng may có vấn đề gì, người chăn nuôi sẽ phải ôm cục nợ vì quá trình chăn nuôi thường phải vay nhiều nguồn vốn để đầu tư, gối đàn.

“Nhà nông ai cũng mong được mùa, được giá, không bị dịch bệnh hoành hành nhưng thời tiết ngày càng bất thường, thị trường giá cả mặt hàng gia cầm ngày càng không ổn định. Trong khi chăn nuôi rất nhạy cảm với thời tiết, thị trường khiến người dân vừa làm vừa ôm mối lo”, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết.

Tránh khó khăn kép

Chăn nuôi gặp khó khiến nông dân, HTX không chỉ chịu thua lỗ khoản tiền đầu tư mà công sức bỏ ra cả năm cũng hầu như mất trắng. Trong khi đó, để có tiền đầu tư chăn nuôi, không ít HTX phải đi vay vốn, thậm chí việc tiếp cận nguồn vốn cũng không hề thuận lợi

Như tại HTX Xanh Bảo Sơn (Bắc Giang), việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để tái sản xuất của HTX gặp nhiều khó khăn do tài sản thế chấp có giá trị thấp. Đất đai chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên HTX không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Ông Đào Xuân Hải, cho biết trong chăn nuôi, một khi đã lỗ thì mỗi ngày, HTX phải gánh khoản nợ lên gần 60-70 triệu đồng nhưng hiện nay, HTX chủ yếu phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Chính vì vậy, HTX rất mong muốn các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất đối với người chăn nuôi, nhất là khi họ bị mất mùa, thiệt hại do dịch bệnh, thời tiết để phần nào hỗ trợ nhà nông giảm bớt khó khăn.

Thiên tai, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều dự báo cho thấy, ngành chăn nuôi sẽ đứng trước nguy cơ ảm đảm, nguồn cung thiếu hụt. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết dịch bệnh khiến nông dân, HTX bỏ chuồng do ảnh hưởng tâm lý từ năm ngoái chăn nuôi thua lỗ. Điều này sẽ khiến năng suất tổng đàn đàn lợn cả nước giảm trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nguồn cung lợn không còn nhiều, tồn kho lợn cỡ lớn còn khá ít. Đặc biệt, đợt dịch 6 tháng đầu năm khiến số lượng lợn bị tiêu hủy không nhỏ. Trong đó, cả doanh nghiệp, HTX, nông hộ đang trong đà tái đàn và cần chờ đến đầu tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Tình hình nguồn cung bị giảm sút cùng với tình trạng khó khăn trong tái đàn vì dịch bệnh vẫn được dự báo là diễn biến phức tạp, việc tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân, HTX trong ngành tái đầu tư, duy trì sản xuất là điều cần thiết vì ngành chăn nuôi đã tạo ra lượng lớn sản phẩm thịt, trứng, sữa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Chỉ trong năm 2023, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn của Việt Nam đạt trên 515 triệu USD. Cùng với đó, ngành chăn nuôi chiếm 25% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là ngành tạo sinh kế quan trọng cho hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc HTX Vạn Thịnh Phát (Quảng Ninh), cho biết trong điều kiện hiện nay, việc cơ quan ban ngành đồng hành cùng HTX trong đề cao việc phòng chống dịch bệnh là cần thiết vì chăn nuôi vốn gặp nhiều rủi ro. Trong đó rủi ro phần lớn là do công tác dự báo thị trường, dịch bệnh còn chậm chạp, chưa đúng với thực tiễn.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX thực phẩm an toàn Sáng Nhung (Tuyên Quang), cho biết trong chăn nuôi, nhất là muốn hạn chế dịch bệnh thì phải sản xuất theo chuỗi. Tuy nhiên, sản xuất theo hình thức này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nên nếu được sự trợ lực từ các tổ chức tín dụng sẽ giúp hình thành được nhiều chuỗi chăn nuôi an toàn hơn.

“Chính phủ, các ban ngành cần cắt giảm các thủ tục không cần thiết để HTX tiếp cận vốn thuận lợi hơn, từ đó mới có thể giúp các HTX giảm bớt khó khăn, yên tâm tái sản xuất, mở rộng quy mô, tăng chất lượng” ông Nguyễn Ngọc Sáng chia sẻ.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-chan-nuoi-thiet-don-thiet-kep-vua-lam-vua-om-moi-lo-1100890.html