HTX dự phần bao nhiêu trong mục tiêu 4 tỷ USD xuất khẩu rau quả?

Xuất khẩu rau quả đặt mục tiêu 4 tỷ USD trong năm 2023. Với vị thế đang lên, các HTX ngày càng cho thấy vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình xuất khẩu. Tuy nhiên, để dự phần lớn hơn trong 'chiếc bánh' tỷ USD, các HTX còn rất nhiều việc phải làm.

Vụ vải thiều năm 2023, xuất khẩu tiếp tục là một trong những mục tiêu quan trọng của các HTX trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ngay từ đầu tháng 5, nhiều HTX đã bắt tay vào các khâu xúc tiến thương mại, kết nối đưa trái vải đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Mở “đường lớn” xuất khẩu

Đáng chú ý, từ con đường tiểu ngạch, các HTX ngày càng chú trọng kết nối xuất khẩu chính ngạch, nhằm đảm bảo tính an toàn và nâng cao giá trị. Điển hình như HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, năm nay phấn đấu đưa vải thiều sang cả châu Á và châu Âu.

Chia sẻ với Vnbusiness trong bài viết mới đây, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân khẳng định đang có nhiều tín hiệu khả quan về thị trường, giá trong vụ vải năm 2023. Đến nay, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn trong nước, cũng như đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU…

Với thị trường Trung Quốc, HTX đã tiếp và “chốt đơn” với nhiều thương nhân người Trung Quốc khi họ đến khảo sát thị trường. Còn với thị trường EU, Nhật Bản, mức giá được kỳ vọng cao hơn thị trường chung 20-30%, tất nhiên chất lượng quả vải đòi hỏi rất khắt khe.

Để tăng giá trị xuất khẩu, các HTX cần chuyển nhanh từ sản xuất nhỏ sang quy mô lớn.

Để tăng giá trị xuất khẩu, các HTX cần chuyển nhanh từ sản xuất nhỏ sang quy mô lớn.

Mặc dù còn nhiều biến số trong xuất khẩu, song Giám đốc HTX Phạm Văn Dũng kỳ vọng vào giá trị xuất khẩu vải thiều năm 2023 sẽ cao hơn năm 2022. “Năm nay, dự kiến sản lượng vải thiều của HTX đạt hơn 1.000 tấn. Doanh thu có thể sẽ cao hơn con số 17 tỷ đồng năm trước”, vị đại diện HTX hồ hởi nói.

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu thành công hơn 80 nghìn tấn vải thiều (chiếm 38% tổng sản lượng), thu về kim ngạch gần 116 triệu USD (trong đó, có 76 triệu USD từ quả vải, còn lại là dịch vụ phụ trợ).

Đáng chú ý, vải thiều ngày càng chiếm lĩnh ở thị trường cao cấp, khó tính. Đơn cử, năm 2022, hơn 50 tấn được tiêu thụ tại Hoa Kỳ, gấp 10 lần so với năm 2021 chỉ vào khoảng 5 tấn); Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... hơn 100 tấn, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Với những thành công trong năm 2022, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang năm 2023 tiếp tục đặt những mục tiêu lớn hơn, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đại trên dưới 200 triệu USD. Ở đó, các HTX đóng vai trò đầu tàu trong liên kết sản xuất và kết nối tiêu thụ.

Cùng với vải thiều, bưởi cũng là một trong những trái cây dự kiến đóng góp lớn vào mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD rau quả năm 2023. Một trong những dấu mốc quan trọng là quả bưởi đã có “visa” chính ngạch sang Hoa Kỳ, trở thành cơ hội lớn cho các HTX.

HTX cần chủ động chớp cơ hội

Như Vnbusiness đã đưa tin, vào đầu tháng 3 vừa qua, hai Thứ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ là Jennifer Moffitt và người đồng cấp Alexis Taylor có chuyến thăm tới Việt Nam.

Cần nhắc lại, vào đầu tháng 12/2022, lô bưởi tươi đầu tiên của Việt Nam đã được chuyển tới Hoa Kỳ sau 5 năm đàm phán. Đồng nghĩa, chuyến thăm của hai đại diện đầu ngành nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ diễn ra vài tháng sau khi Hoa Kỳ chấp thuận nhập khẩu chính ngạch quả bưởi của Việt Nam.

Tiếp đoàn tham quan của hai thứ trưởng Hoa Kỳ, ông Nguyễn Như Hảo, chủ vườn, đồng thời là Giám đốc HTX bưởi an toàn Quế Dương (Hoài Đức, Hà Nội), chia sẻ mong muốn được phía Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ trồng trọt và được xuất khẩu trái bưởi sang thị trường này.

Vải thiều, bưởi hay chuối là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu ít nhất 4 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả năm 2023, theo chuyên gia, quả sầu riêng mới là “đầu tàu dẫn dắt”. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đem lại hơn 420 triệu USD.

Trong quý I/2023, chỉ riêng Trung Quốc đã chi tới 130 triệu USD để nhập sầu riêng của Việt Nam. Và cũng giống như với nhiều mặt hàng rau quả khác, các HTX đang có sự hiện diện đậm nét trong quá trình xuất khẩu sầu riêng, từ khi loại quả này được mở đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Đơn cử, năm 2022, xã Phước Tân (Phú Riềng, Bình Phước) có 2 HTX trồng sầu riêng được lựa chọn làm hồ sơ và kiểm tra trực tuyến về cấp mã số vùng trồng. Trong đó, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát đã được phê duyệt của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đối với mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch.

Việc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát được cấp “vé thông hành” vào đất nước tỷ dân có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh Bình Phước và huyện Phú Riềng.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì sau 4 năm nỗ lực, nay đã có kết quả như mong đợi. Đây là động lực để thành viên, nông dân liên kết của HTX cùng nhau cố gắng, quyết tâm duy trì bền vững”.

Những dẫn chứng cụ thể để chứng minh nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm thế sẵn sàng, cùng chính sách hỗ trợ kịp thời, các HTX hoàn toàn có thể trở thành một trong những “đầu tàu” dẫn tới mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD rau quả trong năm 2023, và mục tiêu lớn hơn trong những năm tiếp theo.

Nhưng để đóng góp nhiều hơn cũng như được “chia phần” lớn hơn trong “chiếc bánh” xuất khẩu rau quả tỷ USD, các HTX cần rất nhiều việc phải làm, trong đó hoàn thiện sản xuất và nâng cao chất lượng là tối quan trọng. Bởi, thực tế chỉ ra, không chỉ thị trường Trung Quốc, các thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN… cũng ngày càng “khó tính”.

Vì vậy, theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng cần nhanh chóng chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm vừa đẹp về mẫu mã, vừa an toàn về chất lượng.

Để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, doanh nghiệp, cũng cần thêm các cơ chế, chính sách thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị dễ dàng hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-du-phan-bao-nhieu-trong-muc-tieu-4-ty-usd-xuat-khau-rau-qua-1092727.html