HTX miền Trung, Tây Nguyên bứt phá từ chuyển đổi số
Là chủ thể của nền nông nghiệp, không ít HTX ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã không đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số nhằm thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy để quá trình chuyển đổi số đến gần hơn với các HTX.
Từng là một trong những HTX tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Đặng Văn Chính, Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số sẽ giúp người nông dân, HTX và ngành nông nghiệp bắt nhịp cùng thị trường quốc tế.
Làm việc cũ theo phương thức mới
Để làm được điều này, HTX đã chủ động nghiên cứu các phần mềm ứng dụng để triển khai vào cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như phần mềm kế toán HTX; phần mềm quản lý điện năng, quản lý nước, quản lý môi trường, quản lý chợ, quản lý trực đêm,.. Ngoài ra, HTX còn xây dựng các website tương tác, cổng thông tin HTX tích hợp các phần mềm nghiệp vụ, sàn TMĐT kinh tế hợp tác…
Nhờ các nghiên cứu của HTX, rất nhiều HTX đã được ứng dụng các phần mềm thông minh trong việc quản lý nhân sự, thuế, trồng và chăm sóc để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho cây trồng. Qua đó, các HTX cũng tiếp cận với nhiều tổ chức, cá nhân qua mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm mà không cần gặp mặt trực tiếp người mua… như cách làm truyền thống.
Hay như HTX Cao Nguyên Coffee (Kon Tum) chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản như dược liệu, cà phê, yến sào… Để phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 10 đơn vị tại tỉnh Kon Tum, chuyển sang bán hàng trên Shopee, Lazada, sàn thương mại của nông nghiệp Việt Nam, nền tảng Facebook, Zalo và đẩy mạnh phương thức marketing. Cách làm này giúp HTX đạt kết quả rất khả quan, điển hình như yến sào tăng 10 lần, sâm dây, cà phê tăng 3-4 lần so với thời kỳ chưa đẩy mạnh chuyển đổi số.
Có thể thấy, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay, công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, các HTX đã bắt đầu phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; thực hiện công tác kế toán qua các phần mềm; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm qua điện thoại thông minh...
Từ xu hướng này đã giúp các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mạnh dạn bắt nhịp công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính riêng trong quý I/2022, doanh thu từ kinh tế số đã đạt khoảng 53 tỷ USD. Điều này cho thấy, kinh tế số đang có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Các HTX nếu nắm bắt được điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng, nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể.
Đặc biệt, các địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên hầu hết là thuần nông nên việc HTX thực hiện chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, hội nhập với thị trường quốc tế.
Chẳng hạn như HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng), sau 5 năm hoạt động, hàng trăm sản phẩm từ rau, hoa quả tươi đến chế biến của HTX đã có mặt ở gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để có được điều này, yếu tố không thể thiếu đó chính là thực hiện chuyển đổi số với những công nghệ thông minh giúp hoàn thiện chuỗi từ sản xuất đến tận bàn ăn người tiêu dùng.
Để HTX ngày càng "sành" công nghệ
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, mà còn phải ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị như: truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều HTX chỉ ứng dụng công nghệ vào một hoặc một vài bước của quy trình sản xuất nên chưa tận dụng hết hiệu quả của các công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, các HTX hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, quy mô HTX còn nhỏ lẻ, chủ yếu kinh doanh truyền thống. Do cán bộ và thành viên nhiều HTX có độ tuổi từ 35 trở lên nên ngại cập nhật các ứng dụng kỹ thuật mới, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin tại các HTX còn thiếu…
Trước những khó khăn này, các HTX tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên mong muốn các ngành chức năng sớm có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho các HTX và nông hộ trong chuyển đổi số như: tổ chức đào tạo, tập huấn về công nghệ số, hướng dẫn tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cho lĩnh vực kinh tế tập thể, để ngày càng có nhiều HTX tham gia quá trình chuyển đổi số, từ đó mở rộng đầu ra cho nông sản. Khi các HTX thực hiện chuyển đổi số thành công cũng là cách giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Trung, Tây Nguyên phát triển bền vững.
Điều này cũng giống với mong muốn của ông Đào Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX Cao Nguyên Coffee (Kon Tum), đó là khi HTX được tạo điều kiện để chuyển đổi số, kết nối giao thương sẽ giúp xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa theo hướng bền vững. Bởi các HTX ở miền Trung, Tây Nguyên có đặc thù là lượng thành viên là người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đông, nên HTX cần có các chuyên viên hướng dẫn, kèm cặp, đào tạo một cách kỹ lưỡng, chuyên sâu các phần mềm, các ứng dụng online.
Bên cạnh đó, đặc thù của các HTX ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn còn những khoảng cách khác biệt giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, do vậy, việc triển khai chuyển đổi số của các HTX không thể vội vàng.
Theo các chuyên gia, để các HTX khu vực miền Trung, Tây Nguyên thực hiện ứng dụng các công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất kinh doanh hiệu quả, mọi chính sách chuyển đổi số phải hướng đến nông dân, HTX. Ở chiều ngược lại, nông dân, HTX cũng phải chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số, từ đó tạo sức lan tỏa và mang lại lợi ích cho nhiều nông dân và các thành viên.
TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, từng phát biểu muốn đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là sẽ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp; sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Đi cùng với đó là xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực HTX Việt Nam nhằm hỗ trợ các HTX theo từng bước cụ thể.