HTX mở đường xuất khẩu để nâng cao giá trị sản xuất

Không chỉ chú trọng phát triển thị trường trong nước, nhiều HTX còn hướng mạnh đến cánh cửa xuất khẩu. Việc thành công tiếp cận các thị trường lớn giúp HTX nâng cao giá trị sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn cho thành viên.

Năm 2017, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (Long Thành, Đồng Nai) được thành lập. Sau 5 năm hoạt động, HTX đang là một trong những HTX đầu tiên trên toàn quốc xuất khẩu thành công thịt gà thương phẩm, doanh thu bình quân hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Xuất khẩu để nâng cao thu nhập

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Long Thành Phát, cho hay sau nhiều năm khởi nghiệp tự thân với những thành công tích cực, năm 2017, ông quyết định thành lập HTX, hướng tới kết nối quy mô lớn với các trang trại, phát huy sức mạnh đặc thù, liên kết cùng nhau phát triển.

Để nâng cao hiệu quả của HTX, ông Quyết chủ động bắt tay với các nông dân giỏi cùng lĩnh vực trong vùng, gây dựng nên 7 trang trại gà quy mô lớn và hiện đại theo mô hình kinh tế hợp tác, phân bố tại nhiều nơi ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến nay, 100% các trang trại trong HTX đều thuộc tốp đầu của tỉnh cũng như cả nước về ứng dụng công nghệ hiện đại, với tổng đàn gà đến hơn 1,5 triệu con. Tất cả các khâu đều được áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa.

Mở rộng thị trường xuất khẩu giúp HTX nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu cho thành viên. (Ảnh: HNM).

Mở rộng thị trường xuất khẩu giúp HTX nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu cho thành viên. (Ảnh: HNM).

Nhờ sản xuất chuyên nghiệp, HTX nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng trong nước và có bước tiến dài trong xuất khẩu, trong đó Nhật Bản đang là một trong những thị trường chủ lực.

“HTX đang cung cấp bình quân 25.000 con gà/ngày cho đối tác chế biến xuất khẩu thịt sang thị trường Nhật Bản. Chất lượng sản phẩm tốt nên HTX luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Thị trường ổn định giúp thành viên, người lao động HTX liên tục nâng cao thu nhập”, ông Quyết chia sẻ.

Tương tự, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp TP. Hà Nội quan tâm, chú trọng tới cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu. Tận dụng điều này, các HTX trên địa bàn cũng chủ động thúc đẩy xuất khẩu từ đó thu về những thành công tích cực.

Điển hình, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) đang là đầu tàu phát triển vùng rau 220ha của địa phương , trong đó có 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40-50 tấn rau các loại (rau ăn lá, rau ăn củ, rau gia vị...).

Đáng chú ý, khoảng 70% sản lượng của HTX được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn như Coop Mart, Metro, AEON… và chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, hợp tác xã đang duy trì xuất khẩu 300-500 tấn/năm cải thảo, bắp cải, súp lơ... sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Phát triển nông sản chủ lực

Cũng có thể kể đến HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) đang là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu. Giám đốc HTX Trương Quang An cho biết, HTX hiện có hơn 40 thành viên, sản xuất diện tích hơn 50ha và hàng trăm hộ liên kết.

Phần lớn diện tích trồng thanh long của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đầu năm 2022, HTX còn đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu, xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long với sức chứa 500 tấn.

Nhờ sản xuất hiện đại, bình quân hàng năm, HTX xuất khẩu thành công hàng nghìn tấn sản phẩm, trong đó 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất,… Nhờ đó mà doanh thu của HTX luôn ổn định, 100% thành viên HTX ở mức khá giả, nhiều hộ liên kết thoát nghèo, vươn lên.

Có thể thấy, các HTX đang có những bước tiến tích cực trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận hoạt động này còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Điển hình, việc xuất khẩu nông sản chủ lực của HTX vẫn còn khó khăn do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Một số địa phương sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp, phần lớn nông sản tiêu thụ tại các chợ, kênh tiêu thụ truyền thống...

Nhằm nâng cao vị thế của nông sản HTX ở thị trường trong nước và xuất khẩu cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thúc đẩy liên kết "4 nhà" để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu ổn định…

Để các HTX hiểu rõ về thị trường, đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CPTPP…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phong Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/htx-mo-duong-xuat-khau-de-nang-cao-gia-tri-san-xuat-1087915.html