HTX nông nghiệp tiên phong trong sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP

Trong khi nhiều mô hình hợp tác xã tại Quảng Bình với quy mô nhỏ, hoạt động khó khăn thì hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã thể hiện được vai trò trong tổ chức sản xuất, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và lao động tại địa phương.

Phát huy vai trò tổ chức

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 134 HTX hoạt động theo tiêu chí "tổ chức sản xuất" của Chương trình mục quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có 115 HTX hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, có 60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết, biết phát huy được thế mạnh của địa phương, tổ chức tốt khâu sản xuất cũng như tiêu thụ, nhờ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ khi Quảng Bình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX đã nhanh chóng bắt nhịp và chọn được sản phẩm đặc trưng để đầu tư sản xuất. Đến nay, có 43 sản phẩm của 35 HTX đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao.

Một trong những mô hình thực hiện rất tốt các hoạt động dịch vụ, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình).

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX có 8 dịch vụ hoạt động hết sức hiệu quả bao gồm giống cây trồng, vật tư phân bón, thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đặc biệt, dịch vụ sản xuất giống lúa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên, tạo nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với diện tích canh tác gần 300 ha, mỗi năm, sản lượng lúa HTX khoảng 2.700 tấn, trong đó, số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trên địa bàn chỉ khoảng 1.000 tấn, số còn lại được bán ra thị trường nhưng nhiều lúc giá bấp bênh.

Để hỗ trợ người dân nâng cao giá thành sản phẩm, ổn định đầu ra, đơn vị đã xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy”. Sau khi được đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy” đã có điều kiện để mở rộng ra các địa phương trên địa bàn cả nước.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng Võ Văn Thắng cho biết, trong những năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản phẩm "Gạo sạch Lệ Thủy" vẫn được tiêu thụ ổn định trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập khá đều cho xã viên vượt qua khó khăn do đại dịch.

Còn tại HTX sinh thái Sông Son, xã Mỹ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), với tiêu chí chất lượng sản phẩm là "chìa khóa" để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều năm qua, HTX đã liên kết các hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng, như miến dong, miến gạo, miến gạo sâm Gavina.

Các khâu sản xuất, đóng gói của Miến dong sông Son đều được thực hiện trên máy móc hiện đại.

Các khâu sản xuất, đóng gói của Miến dong sông Son đều được thực hiện trên máy móc hiện đại.

Không chỉ chú trọng nguyên liệu đầu vào, HTX còn tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm… nhằm ký các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm miến của HTX được phân phối trong hệ thống siêu thị Co.opmart, trên trang thương mại điện tử Lazada, các cửa hàng thực phẩm trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Trung Thông, Giám đốc HTX sinh thái Sông Son cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương nên đã giải quyết được khó khăn trong tìm nguồn vốn cho sản xuất. Hiện nay, miến dong Sông Son là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia và miến gạo sâm Gavina là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện, HTX đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để phục vụ xuất khẩu các sản phẩm miến gạo sâm Gavina.

Vướng đâu gỡ đấy

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhiều đơn vị trong tỉnh hoạt động kém hiệu quả. Nhiều HTX nông nghiệp mới chú trọng dịch vụ đầu vào mà chưa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, chưa tạo được chuỗi giá trị sản phẩm nên hiệu quả còn thấp.

Các HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, sản phẩm đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu nổi bật. Ngoài ra, trình độ, năng lực của nhiều cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, nhất là khả năng điều hành, tổ chức và ứng dụng công nghệ thông tin, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến tụt hậu, thua lỗ và dừng hoạt động. Thực tế là, nhiều HTX buộc phải giải thể vì không đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực, cán bộ quản lý, thu hút thành viên, xã viên tham gia.

Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mô hình kiểu mẫu phải đạt 5 tiêu chí, gồm Trụ sở làm việc, tổ chức bộ máy, chuyển đổi HTX, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, hoạt động HTX gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường tại thôn, xã. Thực tế, các bộ khung tiêu chí mà các huyện xây dựng cho HTX kiểu mẫu phù hợp với lộ trình phát triển trong xu thế mới. Tuy nhiên, việc hoàn thiện và đạt các khung tiêu chí của các đơn vị vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX về nội dung cung cấp dịch vụ của HTX (dịch vụ sản xuất, marketing, quản lý kinh doanh, tài chính) và thiết lập lợi thế cạnh tranh cho HTX trong thời đại 4.0.

Qua các lớp bồi dưỡng, các học viên còn được giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị; đồng thời được cập nhật nhiều kiến thức mới về giao dịch, thương mại điện tử. Liên minh HTX tỉnh vừa tập huấn, hướng dẫn các HTX cách đưa các sản phẩm nông sản lên Cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Đến nay, có 37 sản phẩm của các HTX trong tỉnh đưa lên cổng thông tin này.

Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng trong cả nước. Liên minh HTX Quảng Bình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn, tư vấn cung ứng vật tư nông nghiệp; giúp HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đăng Khôi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/htx-nong-nghiep-tien-phong-trong-san-xuat-phat-trien-san-pham-ocop-1088936.html