HTX phát triển cây trồng hiệu quả cao, giúp người dân thoát nghèo bền vững
Hoạt động hiệu quả của một HTX trồng trái nhãn xuồng ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã mang lại thu nhập bình quân khoảng 250 triệu/ha/năm, doanh thu bình quân khoảng 1,3 -1,6 tỷ đồng/năm. Việc phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất ở huyện này được kỳ vọng giúp cho đời sống của nông dân được nâng lên và thoát nghèo bền vững.
Ấp Phú Lâm ở xã Hòa Hiệp là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của huyện Xuyên Mộc với diện tích trên 200ha, trồng các loại như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn da bò, nhãn Thái và nhãn bắp cải. Sản lượng ước đạt hơn 600 tấn/năm.
Hợp tác trồng nhãn, cùng nhau làm giàu
Trong ấp Phú Lâm có HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm là đơn vị tiên phong chuyển đổi trồng nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu cho trái nhãn xuồng “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Hoạt động hiệu quả cao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm đã mang lại niềm vui nâng cao đời sống cho các nông dân.
Trước đây, người dân trong xã chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ, đầu ra còn phụ thuộc vào thị trường, phần lớn chưa phát huy được tiềm năng của loại sản phẩm này. Trước khó khăn đó, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX, cho biết đến nay HTX có 13,9ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt khoảng 45 tấn/năm. Sản phẩm nhãn của HTX đã có chỗ đứng ổn định trong các hệ thống siêu thị cả nước như Saigon Coop Mart, MM.Mega Market…
Nhờ hoạt động hiệu quả cao, HTX đã mang lại thu nhập bình quân khoảng 250 triệu/ha/năm, doanh thu HTX thu về bình quân khoảng 1,3 -1,6 tỷ đồng/năm. Theo ông Hoành, HTX hiện nay vẫn không ngừng hoàn thiện mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm để hướng tới những thị trường khó tính hơn.
Đầu năm 2023 vùng trồng của HTX cũng đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng.
Việc được cấp mã số vùng trồng giúp HTX này nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.
Ngoài HTX nêu trên, tại xã Hòa Hiệp còn có Tổ hợp tác sản xuất nhãn EDOR ấp Phú Quý. Tham gia tổ hợp tác có 11 thành viên là những người sản xuất chuyên canh cây nhãn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Tổ hợp tác này đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trái nhãn, truy xuất nguồn truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhãn; liên kết tiêu thụ sản phẩm nhãn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…
Theo đánh giá, Tổ hợp tác đã phát huy lợi thế của kinh tế tập thể, tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nhãn xuồng của địa phương. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở xã Hòa Hiệp.
Cùng với việc phát triển kinh tế hợp tác cho trái nhãn, thống kê từ phòng Nông nghiệp huyện Xuyên Mộc cho thấy toàn xã Hòa Hiệp hiện có khoảng 50ha nhãn áp dụng kỹ thuật xử lý sớm, hầu hết là nhãn xuồng cơm vàng và nhãn Thái Ido, chiếm 50% diện trồng nhãn của địa phương.
Nhờ trồng nhãn trái vụ và theo chuỗi liên kết với vai trò của HTX, tổ hợp tác mà người dân xã Hòa Hiệp đã nâng cao được thu nhập, vươn lên làm giàu, không còn cảnh nghèo khó.
Cùng nông dân tăng mối liên kết
Bên cạnh mô hình trồng nhãn ở xã Hòa Hiệp, sản xuất nông nghiệp ở huyện Xuyên Mộc nhìn chung vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung theo chuỗi có quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nhất là tình hình tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp của huyện chưa được ổn định, giá cả luôn biến động, đời sống nông dân còn bấp bênh. Sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao, trong khi nhu cầu của thị trường tiêu thụ yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và cả mẫu mã.
Trước những khó khăn trên, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã tìm mọi giải pháp khả thi nhất, giúp nông dân người nghèo biết cách làm ăn, tăng mối liên kết với HTX và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất hiệu quả hơn.
Trong đó, việc phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Xuyên Mộc là rất cần thiết nhằm mang lại sự ổn định cho cuộc sống của nông dân, giúp cho thu nhập của họ được nâng lên và thoát nghèo bền vững.
Điển hình như HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây ở xã Hòa Hiệp canh tác gần 100ha tiêu, với các sản phẩm: Tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu giống, tiêu ngũ sắc, tiêu lốp, tiêu đông lạnh…Ngoài thị trường trong nước, tiêu Bầu Mây được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hoặc như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuyên Mộc ở ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, tuy mới thành lập hồi tháng 12/2022 nhưng được đánh giá là có nhiều triển vọng.
HTX này kinh doanh chủ yếu là trồng cây công nghiệp (nhãn, bơ,..), trồng cây hàng năm (chanh dây, chuối, rau, củ quả,…), dịch vụ tiêu thụ nông sản cho thành viên, ngoài ra các thành viên còn chăn nuôi thêm heo, gà thả vườn, trồng cây ăn trái để tận dụng diện tích quanh ao, dịch vụ du lịch sinh thái.
Theo đánh giá, HTX đang giúp bà con trong và ngoài xã khắc phục được những hạn chế nêu trên, liên kết các thành viên HTX có đủ điều kiện tiếp cận với thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã.
Để giúp cho người nông dân huyện Xuyên Mộc vươn lên thoát nghèo và làm giàu thì việc phát triển kinh tế hợp tác trong huyện còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là phải khắc phục được tình trạng thiếu vốn, thị trường đầu ra bấp bênh và thay đổi trong sản xuất kinh doanh, tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế và tăng cường liên kết để mở rộng thị trường.
Chính vì vậy, điều mong mỏi là huyện Xuyên Mộc cần tạo điều kiện thuận lợi để các HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.