HTX phi nông nghiệp 'khát' vốn để phát triển sản xuất
Hiện nay, nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng hết nhu cầu của các đơn vị để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp rất cần được vay vốn lớn để mở rộng quy mô sản xuất. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại HTX Phi Đoàn, Bạch Thông).
Hiện toàn tỉnh có 93 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, chiếm gần 30% tổng số HTX của tỉnh. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, sản xuất máy nông nghiệp, thương mại dịch vụ, vệ sinh môi trường... Thời gian qua, các HTX trong lĩnh vực này đã có sự bứt phá trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho thành viên và người lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các HTX phi nông nghiệp phần lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận tải, sản xuất máy móc... nên rất cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy hiện nay các HTX này còn hạn chế trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn. Mặc dù được tạo điều kiện vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh nhưng mức vay tối đa là 100 triệu đồng như hiện nay còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, năm 2021 HTX Đồng Tiến, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn) có nhu cầy vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh để mua máy móc xây dựng. Tuy nhiên do nguồn vốn của quỹ có hạn nên HTX chỉ được giải ngân vay 90 triệu đồng, còn lại HTX phải đối ứng. Anh Nguyễn Đức Bằng- Giám đốc HTX Đồng Tiến cho biết: "Nguồn vốn được vay còn rất nhỏ so với nhu cầu của một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Vì vậy chúng tôi mong muốn tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ để HTX phi nông nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn lớn hơn để có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất".
HTX Phi Đoàn, xã Tân Tú (Bạch Thông) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy móc nông nghiệp, với 8 thành viên và 12 công nhân làm việc tại xưởng, với mức lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại để mở rộng quy mô, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, HTX cần nguồn vốn khoảng 3 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn vay từ Liên minh HTX tỉnh còn quá thấp so với nhu cầu thực tế của HTX, tiếp cận với vốn vay từ các ngân hàng thương mại thì cần phải có tài sản thế chấp. Đây là bài toán khó của các HTX nói chung và HTX phi nông nghiệp nói riêng, vì các HTX hiện không có tài sản thế chấp mà chủ yếu là tài sản của cá nhân.
Theo anh Mai Phi Đoàn- Giám đốc HTX Phi Đoàn: Các HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp mong muốn tỉnh và Liên minh HTX có những chính sách mở rộng hơn để tạo điều kiện các HTX tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của các HTX phi nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, hiện nay nhu cầu vay vốn của các HTX nói chung và HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng là rất lớn, trong khi đó nguồn Quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh còn hạn chế, hầu hết chỉ được vay vốn dưới 100 triệu đồng/HTX, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX hiện nay.
Ông Dương Văn Huấn- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Quy mô hoạt động của các HTX phi nông nghiệp thường lớn, vì vậy nhu cầu về vốn cũng lớn hơn. Tuy nhiên, kênh hỗ trợ vốn vay của Liên minh HTX tỉnh còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các HTX, trong khi đó nguồn hỗ trợ của Trung ương Liên minh HTX Việt Nam lớn hơn, nhưng điều kiện cho vay là đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, không cho vay vốn lưu động, nên khó khăn cho các HTX, đặc biệt là HTX phi nông nghiệp.
Do thiếu vốn, nhiều HTX phi nông nghiệp không đầu tư được cơ sở hạ tầng; trang thiết bị, máy móc thô sơ, dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Để tháo gỡ khó khăn này, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đang đề nghị Liên minh HTX Việt Nam mở rộng vốn vay lưu động chung cho các HTX, trong đó có HTX phi nông nghiệp. Đồng thời nâng nguồn Quỹ hỗ trợ lên để tăng vốn nhằm giúp các HTX phi nông nghiệp có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, đầu tư mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động./.