HTX Rạch Gầm vươn tầm trong chuỗi giá trị vận tải thủy nội địa

Trải qua 45 năm phát triển, HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) đã vươn mình, trở thành một chuỗi giá trị vận tải thủy nội địa chuyên nghiệp.

Tại Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập và phát triển HTX Rạch Gầm (21/4/1979 – 21/4/2024), Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, việc HTX Rạch Gầm là một trong 3 mô hình kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh Tiền Giang nhận Giải thưởng Ngôi sao HTX năm 2024 đã khẳng định nỗ lực, vị thế của HTX trên thị trường.

Vững vàng tiến bước

Ngôi sao HTX là giải thưởng tôn vinh các HTX có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các HTX được tôn vinh dựa trên các tiêu chí: kết quả kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng giá trị bền vững hướng đến sản xuất - tiêu dùng xanh, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại... Trong đó, Rạch Gầm là một đơn vị có kết quả kinh doanh xuất sắc của tỉnh Tiền Giang trong lĩnh vực vận tải, logistics, đáp ứng đầy đủ, toàn diện các tiêu chí nói trên.

Việc đón nhận Giải thưởng Ngôi sao HTX 2024 vào dịp kỷ niệm 45 năm thành lập cũng chính là niềm vinh dự to lớn, mang ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ, người lao động của HTX Rạch Gầm.

Rạch Gầm là đơn vị KTTT, HTX kiểu mới, hoạt động theo nguyên tắc sở hữu tập thể, tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính giá trị nội tại đó đã giúp HTX hấp thụ những giá trị tích cực, tạo nên nền tảng để vững vàng phát triển như ngày hôm nay.

Sau 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, HTX Rạch Gầm là đơn vị vận tải đường thủy nội địa kinh doanh đa ngành. HTX có quy mô hàng đầu cả nước về vận hành đội tàu vận tải, đóng tàu chở hàng vỏ sắt, phà vận chuyển khách trọng tải lớn kỹ thuật tiên tiến, cung cấp vật liệu xây dựng… trong khu vực Nam bộ đến Campuchia.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tặng Bằng khen cho HTX Rạch Gầm và các cá nhân.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tặng Bằng khen cho HTX Rạch Gầm và các cá nhân.

HTX có hơn 110 thành viên (chính thức và liên kết), 70 tàu, tổng trọng tải gần 90.000 tấn, công suất 55.000 CV; 405 cán bộ, thuyền viên, người lao động, công nhân, nhân viên.

Đến nay, HTX Rạch Gầm có 1 nhà máy đóng sửa tàu, sà lan có thể đóng tàu sông chở container trọng tải tới 3.000 tấn, công suất 1.000 CV với số lượng hằng năm đóng mới từ 5 - 6 chiếc, sửa chữa, hoán cải, bảo dưỡng 50 - 60 chiếc; 3 trạm xăng đầu, 1 tổng kho với trữ lượng 500.000 lít…

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho rằng, trải qua thăng trầm, “con tàu” của HTX Rạch Gầm tiến về phía trước khi bước vào tuổi 45. Điều này là nhờ Rạch Gầm đi trên nền tảng của mô hình HTX, khi luôn vì lợi ích của các thành viên. Chính vì vậy, HTX đã thu hút được hàng trăm thành viên (chính thức, liên kết), người lao động đồng lòng cùng sản xuất kinh doanh.

Song song với tuân thủ hoạt động theo tinh thần Luật HTX, HTX Rạch Gầm còn linh hoạt trong xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, từ đó giúp HTX thực hiện xây dựng chuỗi logistics gắn với cảng, giao nhận hàng hóa, kiểm tra hàng hóa...

Đặc biệt, HTX đã tổ chức lại đoàn tàu vận tải theo hướng "sắt hóa" 100%, "trẻ hóa" và tăng tải trọng cho từng chiếc tàu từ 30 - 50% tùy chiếc, kết hợp ứng dụng Internet, Zalo, số hóa các thủ tục giấy tờ trong chuỗi logistics. Đây được coi là cuộc cách mạng công nghệ giúp lột xác đoàn tàu vốn 100% bằng gỗ, tải trọng nhỏ, năng lực vận tải hạn chế trước đây.

Nhờ sự chủ động đổi mới trên nền tảng của mô hình KTTT, HTX Rạch Gầm hiện là đơn vị vận tải đường sông, đường thủy nội địa có quy mô lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh nằm trong nhóm đầu cả nước trong lĩnh vực ngành đường thủy nội địa. HTX đã và đang chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa đường sông với sản lượng ước tính trên 4 triệu tấn/năm, chủ yếu là vận chuyển gạo xuất khẩu, cát đá, vật liệu xây dựng, rỉ đường, thức ăn chăn nuôi từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM và ra đảo Phú Quốc, các tỉnh miền Đông Nam bộ sang Phnôm-pênh, Cô-Cong (Campuchia) và ngược lại.

Cần không gian để phát triển

Những năm gần đây, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước tăng nhanh khiến lượng hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường mở rộng… mở ra nhiều cơ hội cho HTX Rạch Gầm trong sản xuất kinh doanh. Nhưng đi liền với đó là nhiều quy định pháp luật mới ra đời hay những khoảng trống pháp lý cũng gây những khó khăn nhất định cho HTX.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, HTX vẫn bị giới hạn không gian và ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Một số lĩnh vực đầu tư như xây dựng hạ tầng BOT, BT, PPP…, HTX chưa được tham gia đầu tư cũng như liên doanh liên kết với các loại hình kinh tế khác, kể cả với nước ngoài để tiếp thu công nghệ, tiếp cận quản lý hiện đại, nâng cao tay nghề cho người lao động.

HTX Rạch Gầm đã và đang tiếp cận, từng bước chiếm lĩnh thị phần logistics trong hệ thống cảng trên sông Tiền, sông Hậu…

HTX Rạch Gầm đã và đang tiếp cận, từng bước chiếm lĩnh thị phần logistics trong hệ thống cảng trên sông Tiền, sông Hậu…

Đối với nguồn lực tài chính, việc tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng đến Quỹ Hỗ trợ phát triển còn gặp khó khăn do nguồn vốn vay còn hạn chế. Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Giám đốc HTX phải dùng tài sản của mình để thế chấp gây nhiều khó khăn khi HTX có nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển.

Ông Trần Đỗ Liêm cho biết, Nghị quyết 20-NQ/TW đã khẳng định HTX là thành phần kinh tế chủ lực ở Việt Nam, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, để các HTX nói chung và HTX Rạch Gầm nói riêng phát triển hiệu quả và không bị tụt hậu trong nền kinh tế hội nhập, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để HTX có thêm cơ sở pháp lý, từ đó mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế xã hội của tỉnh và đất nước.

Có thể thấy, HTX Rạch Gầm có đóng góp không nhỏ vào việc phát triển chuỗi giá trị logistics của tỉnh Tiền Giang. HTX cũng đã bắt tay với những doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị logistics. Đặc biệt, logistics đường thủy được đánh giá là tận dụng tốt thế mạnh của vùng sông nước tại Đồng bằng sông Cửu Long và giúp chi phí vận chuyển hàng hóa có thể giảm 30% so với chi phí logistics đường bộ.

Trước sự phát triển và những trở ngại mà HTX Rạch Gầm đang gặp phải, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, từ những thành quả đã đạt được trong 45 năm qua, HTX cần tiếp tục xây dựng, phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

HTX Rạch Gầm là một mô hình KTTT điển hình của cả nước, hoạt động vận tải thủy nội địa và kinh doanh đa ngành. HTX cũng đã tập hợp được các chủ ghe, tàu vận tải nhỏ lẻ và người cùng vào HTX sản xuất kinh doanh tập thể. Trong phát triển, HTX luôn đặt lợi ích của thành viên lên trên hết. Đây là hướng đi phù hợp với quy luật có tính khách quan của KTTT.

Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tin tưởng HTX Rạch Gầm tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/htx-rach-gam-vuon-tam-trong-chuoi-gia-tri-van-tai-thuy-noi-dia-1099388.html