HTX thay đổi tư duy sản xuất, người nông dân thoát nghèo bền vững

Thời gian qua, nhiều HTX mạnh dạn thay đổi tư duy, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường, mở ra những hướng đi mới, hiệu quả và bền vững, giúp xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên.

Lần lượt các mô hình sản xuất mới, các HTX kiểu mới ra đời, giúp người dân nhiều địa phương nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần tăng lên.

Chuyển đổi từ trồng chanh truyền thống sang hữu cơ

Những năm qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An) áp dụng sản xuất chanh không hạt theo hướng sạch. Nhờ đó, sản phẩm của HTX từng bước có đầu ra ổn định, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Người nông dân hái “quả ngọt”, không còn cảnh nghèo khó, thậm chí đã có những người trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang.

Để có được thành quả đó phải kể đến sự tận tâm của Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận. Ông chính là người thay đổi tư duy và nhận thức của các thành viên HTX trong canh tác chanh từ truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh.

HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh.

“Ban đầu, HTX chỉ có 7 thành viên, quy mô canh tác 50ha chanh không hạt. Phương thức trồng truyền thống, cùng với nhiều yếu tố khó khăn đầu ra, giá thấp nên thua lỗ triền miên, đời sống của các thành viên rất bấp bênh. Từ ngày HTX chuyển đổi sang mô hình trồng chanh không hạt theo phương thức hữu cơ cho giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định đã giúp cuộc sống của các thành viên vươn lên thoát nghèo", ông Thuận cho hay.

Đến nay, diện tích canh tác của HTX không ngừng tăng lên. HTX đang liên kết tiêu thụ với HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức), HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa), 20 hộ thành viên liên kết ở huyện Bến Lức, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất trên diện tích 300 - 400 ha để chủ động sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh. Sản lượng chanh của HTX cung cấp cho thị trường ước khoảng 7.200 tấn/năm, trong đó, phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi của doanh nghiệp thu mua.

Để sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt, thân thiện với môi trường vào quá trình canh tác. So với cách làm cũ, mô hình canh tác chanh không hạt theo hướng mới cho năng suất thấp hơn nhưng tiết kiệm chi phí sản xuất trên 10%.

Không chỉ vậy, ông Thuận còn đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu cho các thành viên HTX với giá thu mua trong 6 tháng mùa nắng là 20.000 đồng/kg và trong 6 tháng mùa mưa là 15.000 đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm chanh không hạt của HTX có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Trung Đông…

Với hoạt động hiệu quả của HTX, chị Huỳnh Thị Yến làm việc tại HTX ở khâu đứng máy sơ chế, lựa chanh, chia sẻ mình có thu nhập ổn định, có thể phụ giúp trang trải kinh tế gia đình.

Những liên kết kiểu mẫu

Tại tỉnh Tây Ninh, những mô hình sản xuất mới, liên kết sản xuất, từ đó hình thành các HTX kiểu mới đang dần xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang lại lợi ích cho người nông dân ngày càng tăng. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất lúa sạch ST25 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng). HTX hiện có tổng diện tích sản xuất trên 200ha, vụ đông xuân 2022 - 2023 có khoảng 80ha trồng lúa ST25, số diện tích còn lại sản xuất các giống lúa khác.

Anh Trần Hoàng Ân, Giám đốc HTX cho biết, từ năm 2019, HTX đã kết nối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa, trong đó có giống lúa ST25. Nhờ liên kết, HTX được doanh nghiệp hỗ trợ nông dân lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ... Nông dân tuân thủ theo quy trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp xuống hỗ trợ, sản phẩm được kiểm tra và phải bảo đảm về chất lượng.

“Ban đầu, việc vận động nông dân tham gia có khó khăn do nông dân quen với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, sau vụ đầu tiên, nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người vào HTX tham gia sản xuất, diện tích ngày càng tăng qua các năm. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”, anh Ân nói.

Theo UBND xã Phước Chỉ, hiện nay, trên địa bàn xã có 4 HTX sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị như cây lúa, cá lóc, mắm chua, khô cá lóc. Đây là những mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Năm 2011, thu thập bình quân đầu người ở xã Phước Chỉ là 16,5 triệu đồng/người, năm 2022 tăng lên 74,64 triệu đồng/người.

Cần chính sách hỗ trợ

Theo các chuyên gia, muốn ngành nông nghiệp phát triển bền vững, liên kết sản xuất theo mô hình HTX là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Đặc biệt, đứng trước áp lực và yêu cầu của thị trường, đòi hỏi người dân, thành viên HTX phải thay đổi tư duy, làm ăn chuyên nghiệp hơn.

Sự ra đời của các HTX kiểu mới, các mô hình chăn nuôi, sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất đã giúp nông dân có kiến thức về chăn nuôi, đồng bộ về quy trình sản xuất, từ đó sản phẩm đầu ra đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các HTX đã quan tâm áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch; dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ... Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của các HTX mới chỉ bắt đầu, số lượng chưa nhiều, vẫn còn nhiều đơn vị chỉ ứng dụng công nghệ vào một hoặc một vài bước của quy trình sản xuất nên chưa tận dụng hết hiệu quả của công nghệ hiện đại...

Một số ý kiến cho rằng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX là quá trình mới, nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên.

Điển hình như mô hình trồng rau sạch tại HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) so với mô hình trồng rau truyền thống của bà con nông dân tại địa phương thì thu nhập của các thành viên HTX Rau sạch Yên Dũng cao gấp 3 lần.

Đại diện HTX Rau sạch Yên Dũng cho biết, ngay từ khi thành lập, đơn vị đã quan tâm chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, HTX đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, tưới phun mưa; sử dụng hệ thống thiết bị định vị, thiết bị đo nhiệt kế của xe vận chuyển hàng hóa... Do đó, các sản phẩm của HTX tiêu thụ thuận lợi, người tiêu dùng đánh giá cao.

Để chuyển đổi số sâu hơn, mạnh hơn, HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ để ứng dụng công nghệ thông tin thu thập các dữ liệu liên quan đến thời tiết, từ đó phân tích dữ liệu đưa ra được các cảnh báo thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên rau màu. Cùng với đó, chủ động lựa chọn cây trồng phù hợp với thời tiết, hoặc có các trang thiết bị tự động đóng mở theo thời tiết.

Cũng theo các chuyên gia, để người dân, thành viên HTX chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp thì cần một quá trình nhất định. Bởi muốn làm việc thành công, đi đến đích hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực của chính các thành viên HTX cũng rất cần sự đồng hành, khuyến khích, tạo cơ hội cho họ vươn lên.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn... để nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/htx-thay-doi-tu-duy-san-xuat-nguoi-nong-dan-thoat-ngheo-ben-vung-1094170.html