'Hũ gạo tình thương' lan tỏa những điều tốt đẹp
Mang lời dạy 'sẻ cơm nhường áo' của Bác Hồ với phong trào 'Hũ gạo tình thương' năm xưa, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Giang Hải, huyện Phú Lộc đã vận dụng thiết thực và hiệu quả vào đời sống ngày nay, góp phần tiếp sức, nâng bước những học sinh nghèo đến trường.
Về xã Giang Hải, người dân nơi đây kể về phong trào “Hũ gạo tình thương” của Hội LHPN như một niềm tự hào khi đã chung tay đoàn kết giúp được những gia đình khó khăn, đặc biệt là các học sinh nghèo, mồ côi hiếu học có điều kiện đến trường.
Bà Đỗ Thị Luyến, người dân xã Giang Hải kể: “Cháu ngoại tôi mồ côi mẹ từ rất nhỏ, nay lại bị mù một mắt. Ông ngoại cháu đau ốm, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ chương trình “Hũ gạo tình thương” ban đầu hằng tháng giúp đỡ, hỗ trợ gia đình 300.000 đồng, sau đó tăng lên thành 500.000 đồng/tháng, phần nào động viên và giúp gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống, cho cháu đến trường”.
Phong trào “Hũ gạo tình thương” ra đời cũng từ lời dạy “sẻ cơm nhường áo” của Bác Hồ. Bà Nguyễn Thị Ý, Chủ tịch Hội LHPN xã Giang Hải chia sẻ: Học Bác với lời dạy “sẻ cơm nhường áo” và trăn trở về những khó khăn của bà con ở địa phương, năm 2021, Hội LHPN xã Giang Hải triển khai thí điểm mô hình “Hũ gạo tình thương” tại thôn Giang Chế, với 15 thành viên là hội viên phụ nữ của xã tham gia.
Ban đầu, Hội LHPN đặt vấn đề với một nhà máy xay xát lúa gạo ở thôn Giang Chế để đặt “Hũ gạo tình thương” kêu gọi sự đóng góp của ít lòng nhiều từ người dân địa phương khi đi xay lúa sau mỗi mùa vụ. Mô hình này vừa mở ra nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân. Theo quy chế hoạt động, ngày mùng 5 hàng tháng, các thành viên đi gom gạo do hội viên và các nhà hảo tâm ủng hộ tại các nhà máy xay xát lúa gạo trên địa bàn xã. Trong đợt phát động đầu tiên, Chi hội phụ nữ thôn Giang Chế đã thu được 320kg gạo và 15 triệu đồng tiền mặt do các nhà hảo tâm đóng góp. Từ số gạo và tiền thu được, chi hội đã hỗ trợ cho 1 trẻ em mồ côi mẹ và gia đình có hoàn cảnh khó khăn số tiền 500.000đ/tháng để trang trải chi phí học tập và có điều kiện tiếp tục đến trường.
Nhận thấy mô hình được đông đảo hội viên và người dân ủng hộ, sau đó, Hội LHPN xã đã thành lập thêm 2 mô hình tại thôn Nam Trường và thôn Mỹ Cảnh, với tổng số 35 thành viên. 7 nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất ở cả 3 thôn đều đồng hành với mô hình này. Để có nhiều gạo hơn tạo nguồn quỹ, Hội LHPN xã đã tích cực vận động các nhà hảo tâm trong, ngoài địa phương tham gia đóng góp. Tùy lòng hảo tâm, mỗi người đóng góp từ 5-10kg gạo. Bên cạnh đó có nhiều nhà hảo tâm đóng góp tiền mặt. Đến nay, số tiền thu được của 3 thôn là gần 29 triệu đồng. Từ số tiền này, các chi hội đã trao 150 suất học bổng cho con em hội viên học giỏi và nhận đỡ đầu 2 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Ý kể, ý nghĩa của mô hình này được chính người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ hưởng ứng và lan tỏa. Đến mùa vụ, có người ủng hộ cả bao gạo. Sự nhiệt tình ủng hộ từ hội viên và người dân đã tạo động lực để tăng nguồn hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn và làm tốt hơn công tác khuyến học. Có những năm, chỉ một thôn đã trao tặng 110 - 120 suất quà cho các học sinh vượt khó học giỏi, học sinh giỏi trên địa bàn, khuyến khích các em nỗ lực vươn lên học tập tốt.
Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết: Hội LHPN xã Giang Hải đang triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, cuộc vận động do hội cấp trên phát động, như: “Nuôi heo đất”, “Biến rác thành tiền”… tiết kiệm hàng chục triệu đồng, giúp đỡ cho nhiều học sinh nghèo, học sinh mồ côi thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu – Hướng dương đón nắng” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Đặc biệt, với phong trào “Hũ gạo tình thương” được triển khai 3 năm qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tạo nhiều giá trị xã hội, góp phần giúp bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo, cho con cháu theo đuổi con chữ vì ngày mai tươi sáng hơn.