Hứa hẹn định hình lại địa chính trị Trung Đông

Ảrập Xêút và Israel đã có bước tiến quan trọng hướng tới thỏa thuận hòa bình tiềm năng, động thái có thể định hình lại bối cảnh địa chính trị của Trung Đông; trong khi danh sách các vấn đề chưa được giải quyết giữa hai quốc gia vẫn còn dài, triển vọng đạt được các điều khoản chi tiết hơn cho thỏa thuận này ngày càng trở nên khả thi.

Cơ hội và thách thức

Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin, cả Israel và Ảrập Xêút đã đạt được đồng thuận về “các điều khoản toàn diện” cho thỏa thuận bình thường hóa song phương, do Mỹ làm trung gian, được kỳ vọng có thể tiến tới ký kết trong vòng 1 năm nữa. Bối cảnh của tiến triển này bắt nguồn từ những động lực địa chính trị của khu vực và sự phức tạp mang tính lịch sử trong quan hệ giữa Ảrập Xêút và Israel. Ảrập Xêút từ lâu được coi là nhân tố chủ chốt trong thế giới Ảrập Hồi giáo, nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Riyadh có khả năng ảnh hưởng đến lập trường của các quốc gia Ảrập và Hồi giáo khác.

Nguồn: Istock

Nguồn: Istock

Các nước vùng Vịnh láng giềng như Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Bahrain đã tiến hành nhiều bước để bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020, khiến nhiều người nhận định về khả năng Ảrập Xêút sẽ có động thái tương tự. Thực tế, Israel và Ảrập Xêút lâu nay đã duy trì liên lạc thường xuyên ở cấp độ không chính thức, song Riyadh vẫn từ chối công nhận Israel do liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông.

Hiện nay, một trong những điểm vướng mắc trong các cuộc đàm phán là Ảrập Xêút yêu cầu Palestine phải được công nhận là nhà nước như điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận nào. Yêu cầu đó phù hợp với Sáng kiến hòa bình Ảrập năm 2002 của nước này, trong đó đề nghị công nhận Israel để đổi lấy việc Nhà nước Do Thái ủng hộ một Nhà nước Palestine, cũng như tìm kiếm giải pháp công bằng cho người tị nạn Palestine. Ngoại trưởng Ảrập Xêút, Hoàng tử Faisal bin Farhan, đã nhắc lại lập trường đó trong năm nay, ngay cả khi thừa nhận rằng việc bình thường hóa với Israel sẽ có lợi cho khu vực.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu chưa bao giờ ủng hộ chiếu lệ cho việc thành lập Nhà nước Palestine, và từng nhiều lần khẳng định rằng sẽ không cho phép bất kỳ nhượng bộ nào mà ông cho là mối đe dọa đối với an ninh của Israel. Các nhà ngoại giao cũng không kỳ vọng nhà lãnh đạo này sẽ nhân nhượng về vấn đề Jerusalem, nơi đang bị tranh chấp, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận đây là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến đó vào năm 2018. Và trong khi Mỹ có thể yêu cầu đóng băng các khu định cư trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, hoặc hoán đổi đất đai, thì Chính phủ cực hữu của Israel, bao gồm nhiều người định cư theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đang thúc ép sáp nhập vĩnh viễn bờ Tây và mở rộng các khu định cư, khó có thể đồng ý.

Cột mốc lịch sử

Dẫu vậy, thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Ảrập Xêút và Israel có thể trở thành cột mốc giúp biến đổi trong lịch sử Trung Đông; nó giúp nâng cao vị thế cao hơn cho Ảrập Xêút trên trường quốc tế, trong khi đem lại cho Israel sự công nhận ngoại giao từ một quốc gia Hồi giáo quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với nhà nước Do Thái vì mặc dù họ cũng đã ký các thỏa thuận ngoại giao lịch sử với UAE, Bahrain, Maroc và Sudan kể từ năm 2020, Ảrập Xêút là nền kinh tế lớn nhất ở Trung Đông, với việc Chính phủ đầu tư hàng nghìn tỷ USD để đa dạng hóa dầu mỏ. Ngoài ra, nước này còn là “người bảo vệ” hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi tại Mecca và Medina.

Thực tế, bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông luôn chịu sự ảnh hưởng của Mỹ, quốc gia tích cực thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ảrập Xê út và Israel. Trong đó phải kể đến Hiệp định Abraham, sáng kiến do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra, nhằm thuyết phục các quốc gia Ảrập công nhận nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ Mỹ - Israel cũng trở nên căng thẳng sau việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái và Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Ảrập Xêút gần đây lại có nhiều cải thiện với việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến thăm Riyadh vào tháng 6 để làm mới cam kết của Washington đối với khu vực. Để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Israel, Ảrập Xêút được cho là đã yêu cầu nhiều bảo đảm an ninh hơn, bao gồm bán vũ khí tiên tiến, cam kết bảo vệ của Mỹ nếu bị tấn công và hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự cho phép làm giàu uranium trong nước…

Việc tạo ra nền hòa bình lâu dài giữa Israel và các nước láng giềng Ảrập thực sự từng khiến nhiều đời tổng thống Mỹ đau đầu trong hơn nửa thế kỷ, nhưng ngược lại nó cũng trở thành di sản chính sách đối ngoại nổi bật của nhiều lãnh đạo tiền nhiệm của ông Biden. Ngay từ khi trở thành tổng thống, ông Biden từng xác định thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông là trọng tâm chính sách của Washington trong khu vực. Đối với ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm, việc đạt được một thỏa thuận giữa Ảrập Xêút và Israel chắc chắn sẽ củng cố những thành tựu trong chính sách đối ngoại của ông, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực tái tranh cử vào năm 2024..

Khi các cuộc đàm phán tiếp tục, vẫn còn phải xem liệu những lợi ích tiềm năng của một thỏa thuận hòa bình cuối cùng có vượt qua được những rào cản phức tạp phía trước hay không. Con mắt của thế giới đang đổ dồn vào những bước phát triển then chốt này khi chúng diễn ra ở trung tâm của Trung Đông.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hua-hen-dinh-hinh-lai-dia-chinh-tri-trung-dong-i339711/