Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động: Nhiều nơi còn hình thức, làm theo thói quen

Thời gian tập huấn an toàn vệ sinh lao động là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ LĐ-TB-XH nhưng thực tế các chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường là chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch.

Ngày 22/4, tại Nhà máy Xi măng Yên Bái, thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình), đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khi các công nhân đang bảo dưỡng định kỳ cho máy nghiền khiến 7 người tử vong và 3 công nhân khác bị thương. Vụ việc này lại một lần nữa đặt ra hàng loạt vấn đề về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các nhà máy, công xưởng…

TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã có trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.

TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

PV: Thưa ông, sự cố về an toàn lao động tại Nhà máy Xi măng Yên Bái vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ông có đánh giá thế nào về công tác đảm bảo an toàn lao động hiện nay, các doanh nghiệp đã thực sự chú trọng đến tập huấn, đào tạo về an toàn vệ sinh lao động cho nhân viên hay chưa, thưa ông?

TS Đặng Xuân Trọng: Sự cố tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, mỗi sự cố đều để lại cho mỗi cá nhân, xã hội và đặc biệt là gia đình những người bị nạn nỗi đau và những mất mát vô cùng lớn. Với vụ việc xảy ra tại Yên Bái, việc cần làm ngay lúc này là tổ chức thăm hỏi, động viên, khẩn trương điều trị, chăm sóc cho người bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên, tổ chức mai táng những người đã khuất, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người đã mất và người đang điều trị.

Đặc biệt, sau sự cố này, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh nhất tổ chức điều tra, phân tích diễn biến, nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức hoặc cá nhân nếu có trong việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị xảy ra tai nạn, nhanh nhất ổn định tình hình sản xuất, tâm lý của người lao động.

Đặc biệt, sau sự việc này cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra các sự cố tương tự ở các cơ sở lao động.

Thực tế hiện hay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật An toàn vệ sinh lao động, các Nghị định, Thông tư, QCVN, TCVN đều cơ bản đầy đủ, đồng bộ. Để người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn và vệ sinh thì 3 chủ thể gồm Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động phải chung tay xây dựng mới có thể làm được. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất. Cả doanh nghiệp và người lao động phải hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực việc xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây là câu chuyện cần thiết mở rộng chương trình, giáo dục phổ biến ở các cấp nào, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, cả 3 chủ thể đó thấy được tính cấp thiết, việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đi vào thực tế không mang tính hình thức nữa thì lúc đó chắc chắn tình hình tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ giảm thiểu.

Phải thẳng thắn nói rằng hiện nay các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động thực sự chưa quan tâm, chú trọng trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Việc huấn luyện còn hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động, công việc họ làm, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể.

Ví dụ đối với người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt theo QCVN thì phải đảm bảo được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ mà mình đảm nhận theo Luật Giáo dục nghề nghiệp trước khi giao việc và phải được tập huấn an toàn vệ sinh lao động với thời gian ít nhất là 24 giờ theo quy định và định kỳ ít nhất 2 năm 1 lần phải được tập huấn lại hoặc tập huấn lại khi thay đổi công việc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp bố trí, giao việc cho người lao động nhưng chưa qua đào tạo hoặc giao việc rồi mới đào tạo bổ sung, gọi là “tay ngang, nghề dạy nghề; biết làm là cho làm, làm theo kinh nghiệm và thói quen”.

Thời gian tập huấn an toàn vệ sinh lao động là bắt buộc và theo chương trình khung quy định của Bộ LĐ-TB-XH song các chương trình huấn luyện tại doanh nghiệp thường là chưa đầy đủ cả về thời gian, hình thức, nội dung, chương trình lý thuyết, thực hành và việc kiểm tra sát hạch.

Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động còn mỏng, thực hiện chưa tốt, chưa triệt để dẫn đến các vi phạm về an toàn về an toàn vệ sinh lao động chưa được phát hiện, chưa được xử lý, nhiều cơ sở, nhiều chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, đầu tư đúng mực cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

PV: Như ông vừa chia sẻ, có thể thấy chúng ta có quy định, quy trình đầy đủ về an toàn lao động song quá trình thực hiện vẫn còn lỏng lẻo?

TS Đặng Xuân Trọng: Đơn cử như vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái vừa qua là loại công việc “Làm việc trong không gian hạn chế”. Đây là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được pháp luật quy định tại Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ LĐTBXH; là công việc bắt buộc tuân thủ Quy trình làm việc nghiêm ngặt theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế.

Tuy nhiên, nhìn trên thực tế chung, vấn có nhiều chủ sử dụng lao động, đặc biệt là các cơ sở lao động nhỏ lẻ, tại các làng nghề, truyền thống hoặc ở các khu vực vùng sâu, vùng xa việc thông tin, tuyên truyền, nắm bắt, cập nhật các văn bản, quy định, xây dựng quy trình về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế và chưa thường xuyên.

Người lao động đặc biệt là lao động không có tay nghề, lao động phổ thông họ chỉ quan tâm đến hiệu suất công việc, chưa nhận thức đầy đủ và ít quan tâm đến các quy định an toàn để tự bảo vệ mình; chưa hiểu quyền được làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh của họ trong quá trình lao động sản xuất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng nhiều năm của đại dịch, nhiều doanh nghiệp khó khăn thu hẹp sản xuất trong đó có việc phải ngừng máy, thiết bị giảm tần suất kiểm tra, bảo dưỡng dẫn tới máy, thiết bị dễ bị hỏng hóc, trục trặc gây các sự cố bất thường.

PV: Để giảm thiểu những vụ tai nạn lao động thương tâm như trên, theo ông cần những giải pháp ra sao?

TS Đặng Xuân Trọng: Để giảm thiểu những sự cố đau lòng, thương tâm về tai nạn lao động, trước hết cần thực hiện nghiêm công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đặc biệt chú trọng việc huấn luyện cho đối tượng quản lý, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở về việc xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Đối với công nhân trực tiếp làm việc về quy trình, biện pháp, phương án làm việc an toàn cụ thể; phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống, sự cố khẩn cấp.

Với loại công việc này việc xây dựng quy trình làm việc là yêu cầu bắt buộc. Quy trình làm việc, bảo trì, bảo dưỡng máy phải đặc biệt nêu rõ hạng mục công việc, từng bước thực hiện, việc cách ly, cô lập khu vực thực hiện, năng lực, chuyên môn, sức khỏe, kỹ năng, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của người thực hiện; việc bố trí người kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Bố trí hệ thống biển báo, thông tin, chỉ dẫn, cảnh báo về các yếu tố nguy hiểm, độc hại niêm yết, đặt ngay tại máy, thiết bị, khu vực làm việc để người lao động dễ thấy, dễ nhìn, dễ đọc và tuân thủ.

Ngoài ra cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tuyên huấn, giáo dục, đào tạo đặc biệt là công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo về các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động đã được Luật và các quy định pháp luật quy định.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tại cuộc họp triển khai Tháng hành động an toàn lao động (tháng 5 hàng năm), Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) công bố thống kê trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, giảm 324 vụ, tương ứng với 4,2% so với năm 2022. Số vụ tai nạn lao động đã làm 7.553 người bị nạn, giảm 370 người, tương ứng với 4,7% so với năm 2022. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Trong số các vụ tai nạn lao động trên, có 662 vụ tai nạn lao động chết người. Số người chết vì tai nạn lao động là 699 người, số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.

Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được cho thấy, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là: Xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết; cơ khí, luyện kim chiếm 11,78% tổng số vụ và 10,77% tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,56% tổng số vụ và 9,09% tổng số người chết; dệt may, da giầy chiếm 7,18% tổng số vụ và 7,88% tổng số người chết; dịch vụ chiếm 4,5% tổng số vụ và 4,22% tổng số người chết.

Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất: Tai nạn giao thông; ngã từ trên cao, bị máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn; điện giật; đổ sập.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/huan-luyen-an-toan-ve-sinh-lao-dong-nhieu-noi-con-hinh-thuc-lam-theo-thoi-quen-post1090904.vov