Huấn luyện vượt sông sát nhiệm vụ địa bàn

Phát huy truyền thống anh hùng 'Mở đường thắng lợi', trong khóa huấn luyện chuyên ngành vượt sông, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, tích cực thi đua 'vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập', hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ khu vực tập trung bí mật, đúng 14 giờ chiều một ngày trung tuần tháng 7, dưới dự chỉ huy của Đại úy Phạm Văn Song, Đại đội trưởng Đại đội Công binh vượt sông 11, những chiếc xe quân sự chuyên dụng, cỡ lớn kéo ca nô BMK 130 và chở các đốt phà PMP trọng tải 60 tấn đồng loạt nổ máy, tiến vào bến vượt.

Đang “cuộn tròn, khép chặt” trên thân xe, khi vừa hạ thủy, các đốt phà lập tức bung ra, tạo thành một khối thép khổng lồ, bằng phẳng, nổi trên mặt nước. Với những động tác thuần thục, chuẩn xác và mạnh mẽ, các chiến sĩ khẩn trương đóng khóa mặt, khóa đáy, nối đốt phà, lắp vệt cầu dẫn, hoàn chỉnh mặt phà. Khoảng nửa giờ sau, toàn bộ quân số, vũ khí trang bị, ô tô, xe máy của đơn vị đã được chèo chở an toàn sang phía bờ đối bên kia sông. Quá trình cơ động, những tình huống dồn dập, hóc búa do Đại đội trưởng nêu ra đều được các bộ phận nhận định, xử trí kịp thời, chính xác và hiệu quả.

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 huấn luyện, luyện tập bảo đảm vượt sông.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 huấn luyện, luyện tập bảo đảm vượt sông.

Về đến bờ ta, chẳng kịp nghỉ ngơi cho lại sức, bộ đội lại tất bật hướng dẫn các xe rời phà, thoát bến và cùng nhau tháo cáp ca nô, thu vệt cầu dẫn, tách đốt, mở khóa đáy, khóa mặt, thu phà. Xác định “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, mặc cái nắng miền Trung chói chang, đổ lửa, các trung đội, đại đội liên tục xoay vòng đổi tập, chia nhỏ tập nhiều để bộ đội được rèn luyện, làm quen, nâng cao trình độ bản lĩnh, khả năng phối hợp hiệp đồng. Tuy điều kiện ăn ở sinh hoạt dã ngoại còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; cường độ huấn luyện, luyện tập cao, song các chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao..

Trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác huấn luyện, luyện tập của các đơn vị tại bến vượt, Thiếu tá Phạm Đình Toàn, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 cho biết: “Với những tính năng ưu việt và tải trọng lớn, phà PMP thường được sử dụng để đưa các phương tiện, khí tài hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở tổ hợp tên lửa, máy móc, thiết bị công trình chuyên dụng vượt sông. Quá trình huấn luyện, luyện tập, cán bộ tiểu đoàn và các đại đội, trung đội thường xuyên theo sát kèm cặp, hướng dẫn, truyền thụ, bồi dưỡng kinh nghiệm, nâng cao trình độ, khả năng kỹ, chiến thuật của bộ đội. Trong những ngày mưa hay khi đêm tối, đơn vị vẫn tổ chức huấn luyện theo đúng kế hoạch, để bộ đội cọ xát, làm quen với tình hình thực tế. Qua kiểm tra, hội thao, đánh giá kết quả sau từng buổi tập, các bộ phận và từng chiến sĩ đều có sự tiến bộ, trưởng thành rõ nét”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để di chuyển, ghép nối thành công các đốt phà PMP nặng hàng chục tấn trên mặt nước chòng chành, sóng to, gió lớn, đòi hỏi các chiến sĩ phải có nền tảng thể lực tốt và phối hợp với nhau thật nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, chuẩn xác. Quá trình khóa mặt, khóa đáy, nối đốt phà... nếu không chú ý, cẩn thận, bộ đội rất dễ bị bong gân, trật khớp, ngã xuống sông.

Chính vì thế, công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn luôn phải đặt lên ưu tiên đặt lên hàng đầu. Trước mỗi lần tập, bộ đội đều phải tiến hành trinh sát, xác định mực nước, tốc độ dòng chảy để tính toán thời cơ, tọa độ ghép phà sao cho an toàn, hiệu quả tối ưu. Khi di chuyển trên sông, nếu các phương tiện bị xê dịch vị trí; các phao bị nước tràn vào cũng có thể khiến phà bị nghiêng và lật úp...

Theo Đại tá Nguyễn Hoài Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 270, trong thực tế chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ, có rất nhiều cách để đưa phà vượt sông. Căn cứ vào tình hình địch - ta, phương tiện, trang bị hiện có, điều kiện địa hình, thời tiết và các yếu tố khác có liên quan, trưởng phà sẽ tính toán để chọn ra phương án tối ưu, an toàn, hiệu quả nhất...

Những năm qua, bám sát phương châm “Huấn luyện cơ bản, thiết thực vững chắc”, đơn vị chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tăng cường huấn luyện đêm, lấy thực hành là chính, bảo đảm sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn và phương án tác chiến; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị với huấn luyện chiến đấu; lấy huấn luyện cán bộ chỉ huy, cơ quan là trọng tâm. Nhờ vậy, chất lượng công tác huấn luyện, khả năng SSCĐ của đơn vị không ngừng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những năm qua, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, SSCĐ, chống khủng bố, bảo đảm vượt sông cho các đơn vị của Quân khu 5 và của Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn, Tiểu đoàn Công binh vượt sông 4 còn tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất; cứu hộ, cứu nạn... Trong khó khăn, hoạn nạn, hiểm nguy, hình ảnh những người lính công binh càng để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương nơi đơn vị đóng quân.

Bài, ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/huan-luyen-vuot-song-sat-nhiem-vu-dia-ban-792116