Huawei cho bộ phận nghiên cứu ở Mỹ hoạt động độc lập để tránh cấm vận?
Theo hãng tin Reuters, Futurewei, bộ phận nghiên cứu-phát triển của Huawei ở Mỹ đã âm thầm chuyển sang hoạt động độc lập, 'tách' khỏi công ty mẹ ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận hồi tháng 5.
Theo hãng tin Reuters, Futurewei, bộ phận nghiên cứu-phát triển của Huawei ở Mỹ đã âm thầm chuyển sang hoạt động độc lập, "tách" khỏi công ty mẹ ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận hồi tháng 5.
Một nhân viên Futurewei giấu tên nói với Reuters, Futurewei đã "cấm" các nhân viên có biên chế từ tập đoàn mẹ Huawei đến trụ sở công ty này đồng thời chuyển nhân viên Futurewei sang một hệ thống công nghệ thông tin mới và cấm họ sử dụng tên hoặc logo của Huawei trong liên lạc. Huawei sẽ tiếp tục sở hữu Futurewei, nhân viên này cho biết thêm.
Milton Frazier, cố vấn trưởng của Futurewei đã từ chối bình luận về sự "ly khai" trên hoặc chiến lược đằng sau vấn đề này.
Cũng theo điều tra của Reuters, việc chia tách hoạt động trên, chưa được báo cáo trước đây, xuất hiện trong bối cảnh nhiều trường đại học Mỹ đã tạm dừng hợp tác nghiên cứu với Huawei để tuân thủ lệnh cấm vận của Chính quyền Mỹ với cáo buộc công ty Trung Quốc này đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều trường đại học Mỹ cũng đang xem xét lại quan hệ đối tác của họ với các công ty Trung Quốc khác.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc vào "Danh sách thực thể" - danh sách các tổ chức có rủi ro an ninh. Bộ Tư pháp trước đó đã nộp đơn kiện Huawei với cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Futurewei là bộ phận nghiên cứu và phát triển của Huawei có trụ sở tại Mỹ. Công ty này sử dụng hàng trăm nhân viên tại các văn phòng ở Thung lũng Silicon và các khu vực Seattle, Chicago và Dallas. Theo dữ liệu từ Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ, Futurewei đã nộp hơn 2.100 bằng sáng chế trong các lĩnh vực như viễn thông, mạng di động 5G và công nghệ video và máy ảnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, các hoạt động của Futurewei, phần lớn không thể phân biệt được với Huawei - nhân viên giấu tên của Futurewei cho biết. Futurewei không có thương hiệu riêng biệt hay thậm chí là một trang web, trong khi trước lệnh cấm vận, nhân viên của công ty này thường tự nhận mình là nhân viên của Huawei.
Cả hai công ty - Futurewei và tập đoàn mẹ Huawei - đã tiến hành một loạt các quan hệ đối tác nghiên cứu và các chương trình tài trợ với các trường đại học Mỹ.
Năm ngoái, 26 nghị sỹ Mỹ đã gửi khuyến nghị thư tới Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos, cảnh báo rằng quan hệ đối tác của Huawei với ít nhất 50 trường đại học Mỹ có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho an ninh quốc gia.
Điều mà giới lập pháp Mỹ lo ngại là Huawei đang sử dụng các mối quan hệ đối tác với các trường đại học để nghiên cứu các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, viễn thông và robot, có thể được sử dụng trong các hoạt động hack hoặc gián điệp hay thậm chí để giúp các công ty Trung Quốc vượt lên trên đối thủ cạnh tranh của Mỹ.
Một số trường đại học đang đắn đo với việc liệu họ có thể tiếp tục hợp tác với Futurewei - vốn không nằm trong "danh sách thực thể" của chính phủ - ngay cả khi họ đình chỉ nhận tài trợ và hợp tác nghiên cứu với Huawei.
Theo Reuters, lý giải vì sao Futurewei lại không nằm trong "danh sách đen," Bộ Thương mại Mỹ cho biết không thể đưa Futurewei một cách hợp pháp vào "danh sách thực thể" vì đây là một công ty của Mỹ - đăng ký tư cách pháp nhân ở Mỹ./.