Huawei đã đi xa đến đâu sau khi từ bỏ Android?

Là hệ điều hành di động triển vọng nhất do Trung Quốc phát triển, HarmonyOS Next đang gánh trên vai tham vọng tự chủ công nghệ của cả quốc gia này.

Mục tiêu của Huawei trong năm qua là tách rời hoàn toàn khỏi hệ điều hành Android của Alphabet. Hãng đã ra mắt HarmonyOS Next cùng dòng điện thoại Mate 70 vào tháng 12/2024. Đây là nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm xây dựng một hệ sinh thái di động thứ 3 ngoài đế chế iPhone của Apple và liên minh Android do Google dẫn đầu.

Với nguồn lực dồi dào, phạm vi tiếp cận rộng lớn và gần một tỷ người dùng tại Trung Quốc, Huawei đang đặt cược tất vào tương lai của hệ điều hành này, theo Bloomberg.

Thời điểm then chốt

HarmonyOS xuất hiện lần đầu vào năm 2019 sau khi chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, cấm Huawei hợp tác với Google. Trong nhiều năm, hãng vẫn dựa vào nền tảng Android mã nguồn mở để duy trì tương thích với các ứng dụng Android. Nhưng giờ đây, Huawei quyết định đi theo con đường riêng, kéo theo cả các nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm lớn tại Trung Quốc.

Đây là vấn đề mang tính sống còn với mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump, người khởi xướng lệnh trừng phạt từ nhiệm kỳ trước đã trở lại Nhà trắng. Điều đó đồng nghĩa với việc các hạn chế này khó có khả năng được dỡ bỏ.

Nếu hệ điều hành tự phát triển này thành công, Huawei có thể sử dụng nó để vận hành cả một hệ sinh thái công nghệ nội địa, từ chip điện thoại thông minh, phần mềm xe hơi, thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, đến các sản phẩm gia dụng thông minh. Đây cũng là phần mềm quan trọng để Trung Quốc tiếp tục phát triển tham vọng tự chủ công nghệ.

Những điều HarmonyOS làm tốt

Phiên bản mới nhất được gọi là “Harmony thuần chủng” tại Trung Quốc. Nó đang trong giai đoạn thử nghiệm công khai và có thể cài đặt trên Mate 70 và một số thiết bị Huawei nội địa. Ở thị trường quốc tế, các sản phẩm Huawei vẫn sử dụng một hệ điều hành khác tên EMUI. Cả 2 phiên bản này đều vay mượn nhiều yếu tố thiết kế từ iOS của Apple, theo Bloomberg.

 Màn hình chính của Huawei Mate 70 Pro. Ảnh: Bloomberg.

Màn hình chính của Huawei Mate 70 Pro. Ảnh: Bloomberg.

Những ai đã quen với iPhone sẽ cảm thấy giao diện của Huawei rất thân thuộc và dễ dùng. Việc truy cập cài đặt, vuốt giữa các màn hình và chuyển đổi tác vụ hoạt động tương tự như trên các thiết bị của Táo khuyết. Nhận khuôn mặt cũng là phương pháp bảo mật sinh trắc học chính trên HarmonyOS, sử dụng công nghệ quét 3D giống iPhone.

Tuy nhiên, các ứng dụng bên thứ 3 mới là yếu tố quyết định thành công của một hệ điều hành. Huawei đã làm rất tốt trong việc đưa các ứng dụng quan trọng tại Trung Quốc có mặt trên AppGallery và hoạt động mượt mà. Dù là nhắn tin, gọi video qua WeChat, mua sắm trên JD.com, đặt đồ ăn qua Meituan hay gọi xe, mọi thao tác trên Mate 70 đều diễn ra trơn tru.

Các nền tảng video như Bilibili và Taobao (đang đầu tư mạnh vào thương mại điện tử livestream) cũng hoạt động ổn định, tương tự với Weibo - mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc.

Huawei kêu gọi người dùng kiên nhẫn khi hãng tiếp tục hoàn thiện phần mềm trong những tháng tới. Nhưng phiên bản thử nghiệm hiện tại của HarmonyOS Next đã cho thấy sự trau chuốt đáng kể.

HarmonyOS còn thiếu điều gì?

Dù Huawei đã giải quyết phần lớn các nhu cầu, HarmonyOS Next vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn Android hay iOS. Nhiều ứng dụng phổ biến phục vụ công việc vẫn chưa có mặt trên AppGallery như công cụ email doanh nghiệp, các phần mềm họp trực tuyến như Zoom.

Các chatbot AI nổi tiếng cũng vắng bóng trong hệ sinh thái này. Đơn cử như trợ lý giọng nói Doubao của ByteDance phải truy cập qua một công cụ trung gian DroiTong. Để tạm thời lấp đầy khoảng trống này, Huawei cung cấp các giải pháp thay thế tương thích với Android và một thư mục đặc biệt có tên "EasyAbroad" cho phép sử dụng Google Maps, X (Twitter) và cả Zoom khi ra nước ngoài.

 Giống iOS, HarmonyOS Next cũng có cử chỉ chạm 2 chiếc iPhone để chia sẻ nội dung như ảnh và tệp. Ảnh: Huawei.

Giống iOS, HarmonyOS Next cũng có cử chỉ chạm 2 chiếc iPhone để chia sẻ nội dung như ảnh và tệp. Ảnh: Huawei.

Những ứng dụng đã có mặt trên HarmonyOS Next đôi khi cũng gặp hạn chế. Chẳng hạn như tính năng chia sẻ liên kết video trên WeChat không phải lúc nào cũng hoạt động trơn tru.

Bloomberg cho đây là một điểm trừ lớn khi nền tảng này có tới 1,4 tỷ người dùng và video ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nội dung trực tuyến. Tìm kiếm bài đăng theo từ khóa hoặc ngày trên Weibo cũng không hoạt động chính xác. Một số ứng dụng tin tức còn gặp lỗi không gửi thông báo đẩy như mong đợi.

Với giới game thủ, một số trò chơi phổ biến như Vương giả vinh diệu của Tencent đã có mặt trên Mate 70 và chạy mượt mà. Tuy nhiên, các tựa game nổi tiếng khác như Genshin Impact của Mihoyo và Mộng Ảo Tây Du của NetEase vẫn chưa hỗ trợ. Huawei nhận thức rõ vấn đề này và đã dành riêng một phần trong cửa hàng ứng dụng để giới thiệu các phần mềm và trò chơi sắp ra mắt.

Bài toán lớn nhất còn lại

Một số người dùng đã thử nghiệm HarmonyOS Next nhưng sau đó quyết định quay lại hệ điều hành Android tương thích trước đó của Huawei. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu ứng dụng và tính năng.

Dù hệ điều hành này được xây dựng vững chắc, vẫn còn nhiều chỗ trống chưa được lấp đầy. Ngay cả ứng dụng quan trọng nhất là WeChat cũng chỉ vừa mới bỏ nhãn “phiên bản thử nghiệm” vào đầu tháng 1 và vẫn đang cập nhật thêm các tính năng như feed video ngắn hàng tuần. HarmonyOS Next rõ ràng vẫn chưa hoàn thiện.

 Cửa hàng ứng dụng Appgallery của Huawei. Ảnh: The Verge.

Cửa hàng ứng dụng Appgallery của Huawei. Ảnh: The Verge.

Theo Huawei, họ cần 100.000 ứng dụng được tùy chỉnh hoàn toàn cho hệ điều hành này trước khi có thể coi nó là một nền tảng trưởng thành. Khi công ty công bố HarmonyOS Next vào tháng 10, số lượng ứng dụng tùy chỉnh mới chỉ đạt 15.000.

Bài toán lớn nhất của Huawei vẫn là cuộc đua thu hút các nhà phát triển ứng dụng bên thứ 3. Hãng đã làm tất cả những gì có thể để tối ưu hóa sản phẩm của riêng mình. Giờ đây, họ cần các đối tác phần mềm lớn đồng hành để đưa hệ điều hành này thực sự cất cánh, Bloomberg kết luận.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/dien-thoai-khong-google-cua-huawei-da-di-xa-den-dau-post1528723.html