Huế 'có một phần xương thịt của em tôi'

HNN - Đó là cách nhà văn Tô Hoàng nhắc đến người em trai là liệt sĩ Tô Hùng khi đến viếng mộ ông ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Huế.

 Cụm tượng đài trung tâm, lễ đài Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế

Cụm tượng đài trung tâm, lễ đài Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế

Nghĩa trang liệt sĩ TP. Huế được quy hoạch là nghĩa trang cấp thành phố trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ), là nơi yên nghỉ của hơn 2.100 liệt sĩ ở khắp mọi miền của Tổ quốc, trong đó, chỉ có khoảng 15% (hơn 300 liệt sĩ) được xác định danh tính. Nghĩa trang nằm trên đồi Thiên Thai (phường An Cựu), được khởi công xây dựng từ năm 1992 và hoàn thành các hạng mục vào năm 1995. Năm 2025, thành phố Huế đầu tư 50 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa, trở thành một trong những nghĩa trang liệt sĩ đẹp và khang trang nhất của cả nước.

Nghĩa trang được thiết kế giống hình một quả trứng, nằm quanh sườn đồi, với cổng chào cao, cách điệu hình hai con chim hạc đang sải cánh, ốp bằng sành sứ thanh khiết. Bước vào bên trong, hai bên có hai hồ nước nằm đăng đối, có nhà bia hình lục giác ghi tên các anh hùng liệt sĩ, có hệ thống các cụm tượng đài, các bức phù điêu vây quanh lễ đài, rồi cờ hoa, khẩu hiệu... tất cả đã tôn cao dáng vẻ uy nghi, tôn nghiêm và bi tráng của nơi an nghỉ và tưởng nhớ người đã khuất. Các anh linh đã cưỡi hạc về trời, thân xác vẫn còn nằm quanh ngọn đồi theo hình vòng tròn bầu dục. Chắc trên ấy nhìn về, họ vẫn soi thấu tấm lòng biết ơn của người còn sống.

 Từ trái sang: Ngân Vịnh, Tô Hoàng và tác giả dâng hương ở mộ liệt sĩ Tô Hùng

Từ trái sang: Ngân Vịnh, Tô Hoàng và tác giả dâng hương ở mộ liệt sĩ Tô Hùng

Thời tiết Huế năm nay mới vào đầu tháng Bảy đã “đỏng đảnh” sáng nắng, chiều mưa. Những cơn mưa giông bất chợt làm ướt đẫm những que nhang đang cháy dở, mưa giăng phủ kín đồi núi Thiên Thai. Nghĩa trang nào cũng buồn. Nghĩa trang trong chiều mưa xứ Huế càng buồn hơn. Ngồi trong xe ô tô, nhìn những giọt mưa chảy ngoài cửa kính, nghe giọng chạnh buồn của một ông lão đã vào tuổi 84, kể về quê hương, dòng họ và người em trai của mình - một người trẻ mãi, vì cuộc đời mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi.

“Quê tôi ở Hưng Yên, có họ hàng xa với nhà cách mạng Tô Hiệu. Cậu em Tô Hùng sinh ra ở vùng Chùa Láng, Hà Nội (1949), khi gia đình tôi chuyển theo bố lên nơi ông công tác. Hùng là thằng bé rất ngoan, điển trai, học rất giỏi. Học xong phổ thông, Hùng có cơ hội học tiếp, vì lúc ấy tôi là sĩ quan pháo binh đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Thay vì học tiếp đại học trong nước hoặc nước ngoài, Hùng lại xung phong gia nhập quân đội, theo tiếng gọi của Tổ quốc. Có lẽ, trong ý nghĩ ngây thơ của một chàng trai tuổi mười tám, Hùng nghĩ là vào chiến trường sẽ có cơ may gặp tôi. Nhưng chiến trường miền Nam rộng lắm, đâu dễ tìm gặp.

Tôi nhập ngũ từ 1964, sau khi đã tốt nghiệp đại học (cùng lớp với Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ...) nên gia nhập quân đội là trở thành sĩ quan ngay. Ban đầu đánh nhau ở Quảng Trị, sau đó vào chiến trường Tây Nguyên. Hùng là lính bộ binh ở Binh đoàn Hương Giang, sau đó được bổ sung vào một đơn vị biệt động, thọc sâu vào Nội thành Huế. Ngày nằm hầm bí mật, đêm lên mặt đất hoạt động, công tác. Ngày 6/2/1973, trong một cuộc bố ráp của đối phương, chúng đã bao vây một căn hầm bí mật ở thôn Ngũ Tây (gần khu vực Chín Hầm), Thủy An, Hương Thủy. Rừng rậm âm u, chúng cũng không dám xông vào. Từ sáng đến trưa, chúng đặt loa kêu gọi ra hàng, nhưng không có ai ra. Gần trưa, chúng đốt rừng. Chịu không nổi sức nóng, cả năm người lần lượt đội lửa xông lên và đều ngã xuống quanh trước cửa hầm, trong đó có em trai tôi.

Năm 1995, khi xây xong nghĩa trang liệt sĩ này, địa phương đã cải táng và quy tập Hùng vào nằm tại đây, ngay hàng đầu, mộ đầu tiên bên cánh trái. Trước đó mấy năm, khi tôi còn đang học đạo diễn phim tài liệu tại Trường Điện ảnh Quốc gia Liên xô (cũ), em gái tôi, nhà báo Tô Minh Nguyệt, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, có về thăm mộ Hùng ở nghĩa trang liệt sĩ Thủy An. Có gặp một người dân, sống ở vùng đồi núi mà Hùng đã hy sinh. Người đó nói rằng, sở dĩ căn hầm bị địch bao vây, vì có người chỉ điểm. Hỏi xem Nguyệt có muốn tìm gặp người chỉ điểm đó không, Nguyệt lắc đầu từ chối: “Giờ gặp để làm gì? Chiến tranh đã qua rồi. Huế còn cưu mang xương thịt của em tôi như vậy cũng mãn nguyện rồi!”.

Nghe Nguyệt kể lại, tôi rất đồng tình với quan điểm và cách ứng xử của em gái tôi. Mọi thứ đã qua rồi, kể cả sai lầm, phản bội. Chúng ta nuôi hận thù đến bao giờ! Niềm an ủi lớn nhất, cũng là sự biết ơn của gia đình tôi, đó là nghĩa cử, thái độ của người Huế, nơi đã cưu mang, hương khói cho em trai tôi một cách chu đáo, không chỉ là chính quyền, những người có trách nhiệm, mà còn có cả bạn bè và người dân ở vùng đất văn hiến, luôn có phép ứng xử thấm tình ruột thịt và nghĩa cử cao cả.

Tôi ghi lại những lời kể dông dài của nhà văn Tô Hoàng, bởi câu chuyện về trường hợp hy sinh bi tráng của liệt sĩ Tô Hùng và thái độ ứng xử nhân văn và đầy hàm ơn của những người còn sống và của cả những gia đình có con em, đã từng chiến đấu, hy sinh và gửi lại phần thịt xương lặng lẽ nơi này.

Nhà văn Tô Hoàng, nguyên Đạo diễn phim tài liệu quân đội, phóng viên báo Lao Động, tác giả của các phim tài liệu: Hồ Chí Minh - cội nguồn cảm hứng sáng tạo (nhiều tập), Đất trăn trở đất sinh sôi, Nhìn ra dòng sông, Chuyện chưa kể về rừng Sác, Còn lại với thời gian. Tiểu thuyết Ngửa mặt kêu trời và các tập tản văn, bút ký Quanh năm là tháng Bảy, Nỗi buồn lâu quên, Số một và số nhiều...

Phạm Phú Phong

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/hue-co-mot-phan-xuong-thit-cua-em-toi-156020.html