Huế khẩn cấp chống dịch liên cầu khuẩn lợn
Thành phố Huế đang khẩn trương chống dịch liên cầu khuẩn lợn khi số ca mắc mới tăng đột biến. Lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng tại thành phố này, nếu không được kiểm soát kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Huế có 33 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, riêng trong hơn 01 tháng qua (từ đầu tháng 6 đến nay), thành phố Huế ghi nhận 25 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, cao gấp 4,2 lần so với tổng số ca trong 5 tháng trước đó, 1 người đã tử vong.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh viện Trung ương Huế là nơi tiếp nhận điều trị toàn bộ số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, phần lớn trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, có triệu chứng sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, nôn mửa, sợ ánh sáng, thậm chí có biểu hiện viêm màng não – biến chứng nguy hiểm thường gặp.
Theo bác sĩ Phan Lê Quỳnh Thi, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế, để điều trị hiệu quả phải phụ thuộc vào chẩn đoán sớm và sử dụng kháng sinh kịp thời. Nếu phát hiện muộn, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, suy đa cơ quan và tử vong.
“Những bệnh nhân viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thường vào viện với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, đặc biệt về khuya đến sáng sớm, đau tăng khi ho, kèm theo nôn mửa nhiều. Một số bệnh nhân nhìn mờ hoặc có dấu hiệu sợ ánh sáng. Nếu người dân có các triệu chứng nghi ngờ, sốt cao liên tục, nên đến bệnh viện sớm”.

Tiến hành tiêu hủy, xử lý môi trường lợn có biểu hiện bệnh tích thu giữ từ lò giết mổ
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ yếu lây qua tiếp xúc với lợn bệnh hoặc ăn thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, lòng lợn, nem chua. Bệnh thường có xu hướng gia tăng vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Kiểm soát lợn nhập vào trên địa bàn thành phố Huế
Ông Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết, đơn vị tăng cường tuyên truyền, tổ chức giám sát dịch tễ tại các điểm nóng và khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, thịt sống, không giết mổ lợn bệnh.
“Ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng tiết canh lợn, thịt chưa được nấu kỹ như lòng, nem chua… Thịt mua phải có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không tự giết mổ lợn nghi bệnh hoặc che giấu dịch. Trường hợp nếu có triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời”.

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn có dấu hiệu mắc bệnh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế đang giám sát chặt chẽ 28 cơ sở giết mổ gia súc. Cơ quan thú y duy trì kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Ông Trương Công Thành, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Huế cho biết: “Đối với lợn đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ thì chúng tôi đã tăng cường cán bộ kiểm tra, giám sát và đặc biệt là lợn mà đưa vào giết mổ là phải khỏe mạnh, rõ nguồn gốc và gói như không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm. Sau khi giết mổ chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra và những thực phẩm đảm bảo đóng dấu đưa ra tiêu thụ trên thị trường”.

Kiểm tra các khu vực chăn nuôi lợn của người dân
UBND thành phố Huế yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch liên cầu khuẩn lợn. Người dân nâng cao cảnh giác, không sử dụng thịt lợn không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, thịt sống. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế yêu cầu các ngành, địa phương nắm chắc tình hình, không để dịch lan rộng.
“Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương nắm chắc tình hình bệnh liên khuẩn cầu lợn. Dù đang khống chế tốt, chúng ta không được chủ quan lơ là để dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân. Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, siết kiểm soát dịch tễ, tăng cường tuyên truyền và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hue-khan-cap-chong-dich-lien-cau-khuan-lon-post1214088.vov