Huế mạnh tay xử phạt hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa gây ô nhiễm môi trường

Nhiều trường hợp đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa tại TP Huế, vi phạm quy định bảo vệ môi trường, đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Ngày 8/5, UBND TP Huế cho biết, chính quyền phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hộ dân có hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, các ông Mai Xuân Minh, Nguyễn Công Chụy, Đoàn Văn Bích, Hà Phước Sâm và Đoàn Văn Tiển (cùng trú phường Hương Chữ, Hương Trà) bị xử phạt mỗi người 2,5 triệu đồng theo quy định về bảo vệ môi trường.

Tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường tại TP Huế vẫn tái diễn.

Tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường tại TP Huế vẫn tái diễn.

Bên cạnh đó, UBND phường Hương Chữ cũng phê bình ông Phan Văn Lộc - Tổ trưởng Tổ dân phố Phụ Ổ 1, vì không thực hiện nghiêm nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát cộng đồng trong việc ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa theo phân công.

Theo phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường và Sở Nông nghiệp & Môi trường TP Huế, lâu nay, nhiều nông dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch, vì cho rằng đây là cách làm ít tốn công, có thể tiêu diệt mầm bệnh và cỏ dại trên ruộng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo lợi ích trước mắt này không thể bù đắp cho những hậu quả lâu dài. Cụ thể, khói bụi, sức nóng từ việc đốt rơm không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy giảm chất lượng đất nông nghiệp. Rơm bị đốt gây lãng phí nguồn hữu cơ quý giá có thể tái chế làm phân bón.

Việc đốt rơm không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy giảm chất lượng đất nông nghiệp.

Việc đốt rơm không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy giảm chất lượng đất nông nghiệp.

Trước thực trạng đó, UBND TP Huế đã yêu cầu các địa phương phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch và bền vững hơn.

Ngoài ra, lãnh đạo TP Huế yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã giao chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tái diễn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Các địa phương cũng được chỉ đạo thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các vụ việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Các lực lượng chức năng tại Huế được yêu cầu tăng cường kiểm tra, bám địa bàn và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Các lực lượng chức năng tại Huế được yêu cầu tăng cường kiểm tra, bám địa bàn và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Các lực lượng chức năng cơ sở được yêu cầu thường xuyên tuần tra, bám sát địa bàn, áp dụng nghiêm quy định xử phạt hành chính theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Được biết, vụ đông xuân năm nay, toàn TP Huế gieo cấy khoảng 27.900 ha lúa. Nhiều diện tích hiện bước vào giai đoạn chín rộ, dự kiến cao điểm thu hoạch lúa chín sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 20/5. Với thói quen lâu nay, nguy cơ phát sinh tình trạng đốt rơm rạ tại Huế có nguy cơ tăng cao, do đó cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và từng thôn, tổ dân phố.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hue-manh-tay-xu-phat-hanh-vi-dot-rom-ra-sau-thu-hoach-lua-gay-o-nhiem-moi-truong-post1740438.tpo