Huế phát triển du lịch xanh
Trong chuyến du lịch đến Huế, nữ du khách Pháp Sandrine cùng những thành viên trong đoàn của bà đã rất bất ngờ về mức độ xanh của thành phố Huế. Nữ du khách đặt câu hỏi với một sự thán phục: Điều gì đã giúp Huế hài hòa được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn di sản và tài nguyên thiên nhiên?

Rừng ngập mặn Rú Chá - nơi những mảng xanh của rừng cây hấp dẫn du khách. Ảnh: Đình Hoàng
Huế đẹp và xanh trong
Câu hỏi của nữ du khách đặt ra khi nghe hướng dẫn viên cung cấp thêm thông tin rằng, chỉ trong quý 1/2025, lượng khách đến Huế ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 62% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 666 nghìn lượt, tăng gần 50%. Lượng khách ngày càng tăng trưởng qua thời gian nhưng Huế vẫn bảo tồn khá vẹn nguyên các giá trị di sản, tài nguyên thiên nhiên càng khiến du khách trầm trồ.
Không chỉ bà Sandrine ngạc nhiên về một Huế “rất xanh” mà rất nhiều du khách trong, ngoài nước cũng có chung cảm nhận ấy. Cũng quan tâm đến điều như bà Sandrine hỏi, ông Andreas - một du khách Đức, đã đến điểm du lịch sinh thái Thủy Biều để hiểu hơn cách làm du lịch của người dân bản địa. Dưới cái nắng ngày hè, Thủy Biều đón ông Andreas với bóng mát của những hàng cây, vườn thanh trà. Người làm du lịch địa phương mời ông thưởng thức trái thanh trà đã được bóc vỏ; ngâm chân thư giãn bằng thảo dược. Họ còn đổi cho ông chai nước thủy tinh thay cho chai nước nhựa. Thời điểm ấy, ông Andreas bảo: “Có lẽ, tôi đã tìm được câu trả lời: Huế đẹp vì Huế xanh và giữ được những giá trị vốn có. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành du lịch và người dân đã làm nên điều tuyệt vời ấy”.
Có rất nhiều du khách đi từ lạ lẫm, bất ngờ đến hòa mình vào việc thực hành giảm nhựa và xây dựng du lịch xanh ở Huế. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch Huetourist nói, từ việc sử dụng xe điện, xe đạp, tổ chức cho du khách đi chợ không sử dụng túi ni-lông, người làm du lịch còn kể cho khách những câu chuyện đẹp về làm du lịch xanh ở Huế khiến họ rất thích. Du khách rất quan tâm yếu tố môi trường và khi hiểu về cách làm du lịch của Huế, họ ủng hộ hết mình. Chính nhu cầu và sự ủng hộ đó đã khiến người làm du lịch ở Thủy Biều càng thêm hào hứng và quyết tâm. Nếu như trước đây mỗi một tour đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú tại Lương Quán - Nguyệt Biều đều được cấp phát các loại nước uống đóng chai, các đồ dùng đặt phòng lưu trú đều là đồ nhựa dùng một lần và nhiều loại nhựa dùng một lần, thì nay đã được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Khách tham quan làng cổ Phước Tích. Ảnh: Hữu Phúc
Đưa Huế trở thành điểm đến du lịch xanh
Với hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1, TP. Huế là nơi có mật độ cây xanh cao nhất cả nước. Đó không chỉ là “lá phổi xanh” bảo vệ người dân khỏi cái nắng gay gắt của mùa hè mà còn mang lại cảm giác bình yên, “chữa lành” cho du khách.
TP. Huế sở hữu nhiều di sản lịch sử và tài nguyên thiên nhiên phong phú như Quần thể di tích Cố đô Huế, dòng sông Hương thơ mộng, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, rừng ngập mặn Rú Chá... Bên cạnh giá trị lịch sử, những điểm đến của Huế còn giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và du lịch xanh.
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch TP. Huế được xác định bám sát mục tiêu Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Ngành du lịch địa phương đã và đang đi đúng định hướng khi xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn và phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề “Du lịch xanh” như: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp thưởng thức ẩm thực với mô hình ẩm thực du lịch bền vững, thân thiện với môi trường… Hiện nay, Huế có các trạm xe đạp chia sẻ công cộng trên địa bàn thành phố; nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành như: Khám phá nhà vườn truyền thống ở Kim Long, làng cổ Phước Tích, khu vực cầu ngói Thanh Toàn, các ngôi làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới… Bên cạnh đó, HĐND TP. Huế cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ…
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, Đề án Phát triển du lịch, dịch vụ du lịch TP. Huế giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn 2045 xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch địa phương giai đoạn 2023 - 2025 và đang phối hợp rất tốt với Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, Hiệp hội Du lịch và các địa phương để triển khai các chương trình hành động, thực hành giảm nhựa. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cấp các tour tuyến, các loại hình dịch vụ gắn với du lịch xanh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch hiện nay, tập trung vào chủ đề du lịch xanh.
Trong mắt của nhiều du khách, Huế ấn tượng với những mảng xanh của cây cối, của dòng Hương giang, của cách làm du lịch dân dã mà bảo vệ môi trường từ người dân. Cũng bởi sự gìn giữ và phát triển du lịch xanh ấy, nhiều du khách đã đem lòng yêu Huế và thường xuyên trở lại Huế để được “chữa lành”, để hòa mình vào thành phố du lịch xanh.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/hue-phat-trien-du-lich-xanh-153135.html