Lần đầu tiên ra mắt 87 bảo vật quốc gia văn hóa Phật giáo
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 lần đầu tiên sẽ trưng bày 87 bảo vật quốc gia văn hóa Phật giáo. Đó là thông tin tại họp báo về Đại lễ Vesak 2025 và ra mắt Trung tâm báo chí phục vụ Đại lễ, diễn ra chiều 2/5 tại TP.HCM.
Theo đó, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak 2025 giao thực hiện 7 đề án gồm: chương trình nghệ thuật, triển lãm văn hóa Phật giáo, triển lãm trên không, văn hóa trà Việt (trà đạo), hoa đăng cầu nguyện hòa bình, lễ hội văn hóa và quà tặng đại biểu. Qua đó nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng của Phật giáo và dân tộc Việt Nam đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội, Phó chủ tịch, phó tổng thư ký ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc cho biết thêm, trước đó, Ban đã phát động sáng tác các nhạc phẩm từ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, chọn những tác phẩm hay, có giá trị hướng tới chủ đề Đại lễ Vesak và chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các phái đoàn nghệ thuật quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia, Sri Lanka… với nhiều tiết mục nghệ thuật phong phú và có ý nghĩa.
Đặc biệt, chương trình triển lãm sẽ ra mắt 87 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đây là lần đầu tiên công bố cho Tăng ni Phật tử và công chúng thưởng thức những bảo vật quốc gia của Phật giáo cả nước qua các thời kỳ, từ quá trình du nhập, hình thành, phát triển đến ngày nay, với những dấu ấn rất quan trọng của văn hóa Phật giáo Việt Nam mà các bậc tiền nhân để lại. Đồng thời giới thiệu về 4 đề án ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.
Sau lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 có chương trình thượng kỳ với lá cờ dài 500 m.
Ban tổ chức đại lễ đã thành lập ban trà đạo đầu tiên tại Đại lễ Vesak 2025 nhằm quảng bá, giới thiệu đến khách mời từ các quốc gia về tham dự đại lễ. Với 3 phòng trà đàm tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Anh, các chư tôn đức và đại biểu sẽ thưởng trà, thưởng thức những món ăn đến từ các vùng miền. Nơi đây cũng sẽ giới thiệu các trà cụ trải qua các thời kỳ phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó là các loại trà cổ, trà quý, những đặc sản trà từ nhiều vùng miền trên cả nước. Các phòng trà được thiết kế tinh tế, mang dấu ấn của văn hóa Việt Nam cổ xưa.

Không gian gốm và trà
Chương trình thả hoa đăng tối ngày 6/5 dự kiến có 12.000 người tham dự. Các đại biểu sẽ hành thiền ở Công viên Láng Le trước khi thả 35 hoa đăng xuống hồ. Đây là chương trình đặc sắc, lần đầu tiên hành thiền cầu quốc thái dân an, cầu nguyện cho những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập cho đất nước.
Song song đó còn có hoạt động học thuật và hội thảo. Đặc biệt tại chùa Thanh Tâm (Phật cô đơn) sẽ có nghi lễ 3 miền Nam - Trung - Bắc lần đầu tiên diễn ra tại TP.HCM trong một không gian hết sức đặc biệt, kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hòa bình thống nhất.

Cung đón xá lợi Đức Phật tại sân bay Tân Sơn Nhất
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Nghi lễ này được Giáo hội chủ trương trong tinh thần một niềm vui chung Vesak nhưng trong niềm tri ân những người đã ngã xuống cho quê hương hôm nay. Trong đó có các hoạt động nghệ thuật truyền thống tâm linh của Phật giáo ở cả ba miền, sẽ diễn ra ngày 6 và 7/5 ở chùa Phật cô đơn (chùa Thanh Tâm) và nhiều hoạt động cộng đồng khác.
Trước đó, sáng 2/5, xá lợi Đức Phật – quốc bảo Ấn Độ đã được cung rước đến Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (cơ sở 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), sau đó đưa về tôn trí tại chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) từ ngày 2/5 đến ngày 8/5 để Tăng Ni, Phật tử chiêm bái.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20 năm nay có các đoàn đại biểu đến từ 80 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ tham dự, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2025).
Đây được xem là hoạt động rất tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thực thi đường lối đối ngoại nhân dân; tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với các nước trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.