Huế sẽ là xứ sở mai vàng sánh ngang với hoa anh đào của Nhật Bản
Huế có đủ điều kiện để xây dựng, phát triển trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam nổi tiếng như hoa Anh Đào Nhật Bản.
Đó là khẳng định của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tại Hội thảo "Tiềm năng phát triển và định hướng bảo tồn các giống mai vàng Huế" được tổ chức vào ngày 10-2.
Cây mai vàng (hoàng mai) Huế là loại hoa nổi tiếng của đất Cố Đô. Mai vàng được nhiều nhà trồng trong khuôn viên, công viên và lãnh đạo địa phương này từng phát động "mai vàng trước ngỏ" tại các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.
Hoa mai là cốt cách con người
Ông Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, mai vàng được trồng gắn liền với một sự kiện trọng đại của gia tộc như: làm nhà, cưới vợ, sinh con, hay quà tặng của một tri kỷ từ một giống mai quý. Phát xuất từ đặc tính sinh học, thời tiết Huế làm cho hoàng mai chậm phát triển, thân lại giòn và cứng nên yếu tố lão đã làm nên giá trị của hoàng mai Huế.
"Nhờ vậy, hoàng mai trở thành tri kỷ, chứng kiến bao biến cố, sự kiện trọng đại lẫn thường nhật của cả gia tộc", ông Hằng nói.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng nêu loài hoa gắn liền với ý nghĩa của mỗi đất nước, như đến Nhật Bản du khách được tham gia lễ hội hoa anh đào Hanami đầy thú vị; đến với Úc có lễ hội hoa phượng tím Grafton lâu đời.
"Điểm chung có thể nhận thấy của 2 điểm đến nêu trên là chính quyền địa phương ngay từ rất lâu đã quy hoạch cụ thể các tuyến đường, công viên và điểm check in với loài hoa đặc trưng được trồng tập trung. Từ đó phát triển lên thành các sự kiện, lễ hội gắn liền với mùa hoa nở và xây dựng các sản phẩm, dịch vụ đi kèm", ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng, từ những dẫn chứng nên trên có thể khẳng định việc xây dựng Huế trở thành xứ sở của hoàng mai, tiến đến xây dựng Lễ hội mai vàng xứ Huế và các sản phẩm du lịch dịch vụ đi kèm là có cơ sở và khả thi.
Thực tế cho thấy trong dịp Tết Nguyên đán hai năm rồi, hai vườn mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn trở thành điểm thu hút người dân, du khách đến thưởng lãm.
Trở thành xứ sở mai vàng
Tại hội thảo, các ý kiến mong muốn Thừa Thiên - Huế sớm trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát triển loài cây này.
Ông Trần Đình Hằng cho răng, nên khảo sát hiện trạng các cây hoàng mai Huế thuộc dạng "cổ điển" ở Huế và các địa phương để kịp thời có nguồn nhân giống. Đồng thời, tham vấn quy trình kỹ thuật, nghệ thuật, cũng như hỗ trợ chủ nhân các cây mai những vấn đề cần thiết.
"Có được kết quả này, sẽ là một kho tàng tri thức độc đáo đặc biệt mà lâu nay ít được quan tâm tìm hiểu và văn bản hóa. Đơn vị cảnh quan của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện từ rất sớm việc ươm tạo cây con từ các giống mai ngự là rất đáng trân trọng. Cần được khuyến khích, thậm chí phải ưu tiên thương hiệu hóa, biến thành hàng hóa như một mặt hàng đặc biệt. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc lập hồ sơ pháp lý trên phương diện đăng ký thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý cho mai vàng xứ Huế trong thời gian tới", ông Hằng kiến nghị.
Về phía mình, ông Đỗ Xuân Cẩm, Chuyên gia Thực vật học, Trường Đại học Nông lâm Huế cũng cho hay, phải nghiên cứu, đánh giá toàn bộ nguồn gen của giống mai vàng. Lựa chọn những cây mai vàng lâu năm nhất, tốt nhất và tiến hành nghiên cứu các quy trình nhân giống, quy trình trồng và chăm sóc. Hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, giống mai Huế có rất nhiêu ưu điểm, tuy nhiên còn một số nhược điểm. Do vậy một mặt cần bảo tồn, mặt khác cần phải chọn những cá thể đột biến tự nhiên có lợi và chủ động lai tạo ra các dòng mai mới. Từ đó phát triển để bổ sung làm phong phú các giống mai ở Huế, khắc phục những khiểm khuyết kể trên.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khẳng định, Huế có đủ điều kiện để xây dựng, phát triển trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam và nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Lãnh đạo chính quyền đã, đang đặt ra mục tiêu nói trên và mong người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sinh vật cảnh, chủ vườn, người chơi mai lâu năm đồng tình hưởng ứng.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế (Hoàng mai Huế)".
Dự kiến kết quả của nhiệm vụ sẽ xây dựng được quy trình nhân giống mai vàng Huế bằng các kỹ thuật gieo hạt, giâm hom, chiết cành và nuôi cấy mô và quy trình trồng chăm sóc; xây dựng mô hình nhân giống mang đặc tính của giống mai vàng Huế. Bên cạnh đó là xây dựng bảng hướng dẫn nhận dạng giống mai vàng Huế.