Huế xuất hiện các hố sụt lún nhà dân xung quanh mỏ đá vôi

Tình trạng này kéo dài khiến đời sống người dân không ổn định, mất an toàn.

Mấy ngày qua, người dân ở các thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế lo sợ trước hiện tượng sụt lún đất ngay trong nhà. Hiện tượng sụt lún xảy ra gần vị trí có mỏ đá vôi thuộc Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm. Tình trạng này kéo dài khiến đời sống người dân không ổn định, mất an toàn.

Hố sụt lún ở sau nhà bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân,huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hố sụt lún ở sau nhà bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân,huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một tháng trở lại đây, tại nhà bà Nguyễn Thị Huyên, ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân, xuất hiện 7 điểm sụt lún mới khiến gia đình bà hết sức lo lắng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống ở các thôn Xuân Điền Lộc, Xuân Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, gần khu vực mỏ đá vôi của Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm ngày càng bất an khi liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún tại khu vực ruộng, vườn nhà đang canh tác, sinh sống. Nhiều hố sụt lún ngay giữa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Các hộ dân sống xung quanh mỏ đá vôi Phong Xuân đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, đề nghị dừng khai thác mỏ đá vôi hoặc thay đổi cách vận chuyển nguyên liệu của nhà máy này.

Bà Nguyễn Thị Huyên lo lắng: "Nhà tôi cách đây 3 tháng xảy ra 1 hố sụt lún sau nương tôi cũng báo công ty Đồng Lâm cho rập rồi. Mới 2 tháng là bắt đầu sụt trước mái hiên nhà. Hiện tại trước ni là 5 hố sụt lún, với nơi sân 2 hố nữa là 7 hố. Nhà tôi giờ hiện tượng nứt rạn nhiều lắm, tôi thấy nguy hiểm quá nên báo chính quyền nhờ chính quyền làm việc".

Hố sụt lún tại nhà dân ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hố sụt lún tại nhà dân ở thôn Xuân Lộc, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mỏ đá vôi của Công ty Cổ Phần xi măng Đồng Lâm khai thác âm, chiều cao đáy thấp hơn mặt bằng đồng ruộng khoảng 25 mét đến 30 mét. Vì thế, nước ngoài ruộng ngấm chảy qua khe nứt, mang theo bùn đất vào bên trong mỏ, lâu dần tạo thành các hố sụt lún lớn.

Đến nay, trên địa bàn xã Phong Xuân đã xuất hiện 90 hố sụt lún, đường kính từ 0,3m đến 3,5m; độ sâu 0,5m đến 3m, trong đó có 10 hố xuất hiện trên đất vườn và nhà ở của người dân, gây tâm lý lo sợ. Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, hơn 25 hec ta ruộng, đất hoa màu của người dân nằm trong khu vực xảy ra sụt lún. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm đang tiến hành hỗ trợ theo từng vụ đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/sào/vụ với diện tích trồng lúa và hoa màu; 400.000 đồng/sào/năm đối với diện tích đất trồng cây lâu năm và keo tràm.

Hố sụt lún tại chan ruộng ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền năm 2019.

Hố sụt lún tại chan ruộng ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền năm 2019.

Theo ông Nguyễn Bá Lành đây chỉ giải pháp mang tính tạm thời: "Từ khi nhà máy xi măng Đồng Lâm đi vào hoạt động đến nay, trên 90 hộ sụt lún, cả giữa cánh đồng và trong vườn của nhà dân. Đặc biệt trong thời gian gần đây, có hiện tượng sụt lún ở nhà của anh Tám, bà Huyên ở thôn Xuân Lộc. Trường hợp này sụt lún ở mái hiên nhà. Việc này giữa xã cùng với xi măng Đồng Lâm và gia đình đã bàn đến phương án khắc phục, kiến nghị cấp trên nhanh chóng có biện pháp để giải quyết dứt điểm những trường hợp có dấu hiệu sụt lún để cho bà con yên tâm trong sản xuất, cũng như trong đời sống của bà con nhân dân xã Phong Xuân".

Sụt lún xuất hiện trước hiên nhà bà Nguyễn Thị Huyên ở thôn Xuân Lộc.

Sụt lún xuất hiện trước hiên nhà bà Nguyễn Thị Huyên ở thôn Xuân Lộc.

Trước thực trạng nguy hiểm này, UBND huyện Phong Điền đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho chủ trương lập đề án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi 300m và những hộ dân sống gần tuyến đường băng tải và trạm đặt đá vôi đến khu tái định cư mới. Đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200m xung quanh khu mỏ đá vôi với diện tích gần 26 hec ta, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đền bù, thu hồi đất. Mặt khác, cho chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi 200 đến 300m xung quanh mỏ đá vôi.

Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền cho biết: UBND huyện Phong Điền cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cấp, ngành liên quan đánh giá mức độ và nguyên nhân sụt lún tại khu vực mỏ đá vôi để có phương án xử lý ổn định, lâu dài.

Ông Nghiễm nói: "Về tình hình sụt lún trên địa bàn của xã Phong Xuân, vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Phong Điền đã tiến hành xây dựng một đề án, di dời tái định cư các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của khu vực mỏ. Hiện nay, chúng tôi xây dựng đề án có 3 nội dung. Nội dung thứ nhất, xây dựng khu tái định cư. Nội dung thứ hai, di dời khoảng gần 100 hộ dân ở xung quanh đó, 90 hộ là ở khu vực xung quanh mỏ, trong vòng bán kính khoảng 300 mét, còn 8 hộ ở khu vực băng chuyền của mỏ và giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai xung quanh khu vực mỏ"./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hue-xuat-hien-cac-ho-sut-lun-nha-dan-xung-quanh-mo-da-voi-1086458.vov