Huế: Ý kiến trái chiều về điểm check-in ở cây cầu gỗ gần 250 tuổi
Để thu hút khách du lịch đến với di tích cầu ngói Thanh Toàn, địa phương đã tiến hành trang trí thêm những địa điểm để mọi người đến tham quan và check-in. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ các ý kiến trái chiều vì lo lắng sẽ làm mất vẻ đẹp bình yên vốn có bên cây cầu gỗ có tuổi đời gần 250 năm này.
Theo đó, sau khi tài khoản Facebook C.N.T.T. đăng tải một số hình ảnh khu vực di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được trang trí thêm một số địa điểm để người dân, du khách đến check-in, đã thu hút nhiều bình luận, quan điểm trái chiều.
Một số người cho rằng việc làm này thể hiện sự sáng tạo, có điểm nhấn để thu hút du khách. Tuy nhiên, một số khác vẫn cho rằng không gian cầu ngói Thanh Toàn gắn liền với nét cổ kính việc đưa những hình ảnh trang trí quá nổi bật, màu sắc sặc sỡ là chưa hợp lý.
Cụ thể, Facebook P.T.T.L. bày tỏ, nhìn những hình ảnh mới được xây dựng, thật sự bản thân không hài lòng chút nào. Thiết nghĩ, mọi người luôn cho rằng, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản, điều đó có nghĩa rằng nếu muốn thay đổi thì phải dựa trên cái giá trị vốn có của nó. Chúng ta sẽ không chấp nhận sự cũ kỹ mãi nhưng để phát huy và đổi thay thì nên cân nhắc, chọn lựa màu sắc, kiểu dáng, cấu trúc sao cho phù hợp, và góp phần nâng cao giá trị truyền thống đã có...
Về vấn đề này, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho biết, việc lắp đặt các điểm check-in nhằm tạo thêm điểm nhấn, cảnh quan cho di tích.
Theo ông Việt, thay vì đơn điệu chỉ có cầu ngói, các địa điểm này giúp các bạn trẻ có thêm những bức ảnh đẹp đăng tải lên các trang mạng xã hội từ đó lan tỏa thêm hình ảnh của cầu ngói Thanh Toàn và thu hút thêm nhiều người đến với di tích này.
Ông Việt cho biết, những địa điểm check-in này đều nằm ở vòng ngoài, dọc theo sông chứ không nằm trong vùng lõi của cầu ngói, do đó không phá vỡ cảnh quan.
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao với lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990.