Hun đúc tinh thần khởi nghiệp từ ghế nhà trường
Phong trào khởi nghiệp trong trường phổ thông được nhiều trường học ở tỉnh Đồng Tháp triển khai có hiệu quả. Từ đó, học sinh đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và kết quả đạt được rất khả quan…
“Hút” thầy, trò
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, phong trào khởi nghiệp đang được các địa phương đẩy mạnh. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp sôi nổi nhất. Khởi nghiệp không chỉ trong thanh niên, doanh nhân hay doanh nghiệp mà còn được các trường phổ thông hưởng ứng tích cực.
Nhiều trường THPT trong tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp. Từ sân chơi này đã có nhiều học sinh tìm được con đường khởi nghiệp cho riêng mình khi còn trên ghế nhà trường.
Một trong những trường học có phong trào khởi nghiệp khá sôi nổi là Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh). Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp của trường được thành lập vào tháng 10/2018 với 50 thành viên.
Sau 1 năm hoạt động, đến nay có 74 thành viên, trong đó có 5 giáo viên và 69 học sinh. Thầy trò nhà trường rất hào hứng với các hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ; tham quan thực tế; tổ chức các buổi nói chuyện cùng doanh nghiệp…
Từ khi ra đời đến nay, Câu lạc bộ có 7 sản phẩm dự thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn và Trung tâm khởi nghiệp tỉnh tổ chức; 10 bài dự thi Ý tưởng khởi nghiệp do Sở GD&ĐT tổ chức... Nhiều dự án từ Câu lạc bộ đạt giải và mang tính thực tiễn cao.
Điển hình như Dự án sản xuất mứt xoài của em Đoàn Thị Mỹ Tiên; Dự án sản xuất - kinh doanh sáo trúc của em Lê Trần Ân. Ngoài đạt giải Nhì chung kết cụm 2 tại Cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018, dự án của em Lê Trần Ân còn được một doanh nhân chọn đầu tư.
Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp là tổ chức xã hội của học sinh, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, trực thuộc Đoàn Trường THPT Cao Lãnh 1. Câu lạc bộ ra đời là sự gửi gắm niềm tin của nhà trường cho một thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với tinh thần “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”.
Ban chủ nhiệm là các thành viên năng động, có tâm huyết với sự hình thành và phát triển của Câu lạc bộ. Theo lãnh đạo nhà trường, Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp được thành lập với mục tiêu góp phần cung cấp kiến thức, hỗ trợ học sinh xây dựng, phát triển và kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp.
Góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nhà trường có đạo đức, tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp để phục vụ cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Từ khi ra mắt cho đến nay, Câu lạc bộ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như tổ chức tập huấn, tư vấn cho các em học sinh hình thành và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp. Thực hiện các đề án khởi nghiệp với các sản phẩm đặc trưng của vùng quê Cao Lãnh và kết quả đạt được rất khả quan”, thầy Nguyễn Tấn Đức - Phó hiệu trưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết.
Tại Trường THPT Lấp Vò 2 (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Câu lạc bộ Khởi nghiệp của trường liên tục đạt thành tích cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp. Học sinh của trường đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm học 2018 - 2019 do Sở GD&ĐT tổ chức với Dự án “Quầy nước ép trái cây đa năng”.
Câu lạc bộ đang hỗ trợ em Nguyễn Thị Mộng Kiều - học sinh lớp 12A2 phát triển đề tài nghiên cứu khoa học thành Dự án khởi nghiệp với tên gọi “Sản xuất nhang đuổi muỗi từ các loại thảo mộc thiên nhiên”.
Năm học 2019 - 2020, nhà trường phát động Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp trường. Đến nay Ban tổ chức đã nhận trên 200 bài dự thi của học sinh. Những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc sẽ được khen thưởng, lựa chọn, góp ý hoàn thiện hơn để tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Theo ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT thực hiện tốt việc truyền thông khởi nghiệp.
Đặc biệt là sở đã chủ động nghiên cứu, tổ chức xây dựng chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông có tính linh hoạt, phù hợp với hướng phát triển ngành nghề ở địa phương.
Các trường tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy bộ môn có điều kiện thuận lợi (Công nghệ, Giáo dục công dân…); Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trường đại học, cao đẳng, những nhóm hướng nghiệp của sinh viên... tổ chức tư vấn tuyển sinh, khởi nghiệp.
Mời doanh nhân thành đạt đến chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh doanh cho học sinh; Đồng thời phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên của trường THPT và giáo dục thường xuyên…
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thu hút hơn 2.140 lượt học sinh tham gia. Qua đó, xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp tiêu biểu như: Hệ sinh thái tự dưỡng thu nhỏ; Xoài ép NK60; Dưa xoài Thanh Bình; Homsestay Nhà sen Tháp Mười; Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP;
Chuỗi nhà hàng ẩm thực khoai môn; Kinh doanh thức ăn nhanh, an toàn, chất lượng - cơm kẹp hamburger; Hệ sinh thái hữu cơ; Cửa hàng thịt heo sạch; Sản xuất và kinh doanh lúa hữu cơ; Tinh dầu hoa sen chiết xuất 100% từ sen...
Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT đã thực sự trở thành sân chơi thu hút thầy, trò trong tỉnh Đồng Tháp. Các dự án có tiềm năng áp dụng trong thực tế đã được Sở GD&ĐT chuyển cho các cơ quan có liên quan nghiên cứu.
Hằng năm, Sở GD&ĐT Đồng Tháp thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên và các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT. Cuộc thi này sẽ góp phần hình thành, nâng cao ý thức khởi nghiệp cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông; Tạo tiền đề cho các em dấn thân, lập nghiệp, có đóng góp nhất định cho xã hội khi vào đời.