Hùng Dũng gãy chân và nỗi ám ảnh những pha bóng thô bạo
Chúng ta không 'vơ đũa cả nắm', nhưng cũng cần đặt câu hỏi vì sao rất nhiều ca chấn thương nghiêm trọng ở V.League đã xảy ra sau những cú đá triệt hạ của cầu thủ SLNA.
Đỗ Hùng Dũng phải lên bàn mổ khẩn cấp chỉ khoảng một giờ sau khi bị đốn hạ trên sân Thống Nhất. Tiền vệ CLB Hà Nội gãy xương chày, xương mác và nhiều tổn thương khác còn chưa thể kết luận trong đêm. Rất nhiều người đã cầu nguyện cho anh, bằng tâm thế sợ hãi và dự cảm đầy lo lắng.
Quả bóng Vàng 2019 là thành tựu rực rỡ nhất trong sự nghiệp có thể coi là kém may mắn của Hùng Dũng. Để có được những danh hiệu cùng CLB Hà Nội, HCV AFF Cup, chức vô địch SEA Games… và sự ghi nhận của người hâm mộ, Dũng “chíp” đã phải nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa để vượt qua chấn thương, để rút lại khoảng thời gian lận đận và để tạo ra sự nổi bật ở một vị trí vốn rất âm thầm.
Bóng Vàng sao quá “bạc"
Nhưng kể từ khi trở thành chủ nhân của bóng Vàng, Hùng Dũng lại quay về với cái dớp “bạc phận” trên sân cỏ. Ngày mở màn V.League, anh dính chấn thương nặng từ pha phạm lỗi của cầu thủ Nam Định Đinh Văn Trường, phải nghỉ thi đấu gần nửa năm. Đó cũng là mùa giải CLB Hà Nội thiếu vắng quá nhiều trụ cột và bị đá văng khỏi cuộc đua vô địch.
Còn chưa kịp lấy lại phong độ cao nhất khi V.League 2021 khởi tranh, Hùng Dũng tiếp tục bị giáng một cú đòn chí mạng tối 23/3. Pha chuồi bóng bằng cả hai chân khiến người xem kinh hãi của Ngô Hoàng Thịnh lập tức đưa Dũng vào bệnh viện, và theo kinh nghiệm của những người có chuyên môn, Dũng cần từ 9 tháng đến 1 năm mới mong quay lại xỏ giày.
HLV Park Hang-seo chạy theo Hùng Dũng khi anh rời sân trên xe cấp cứu. Ánh mắt ông buồn vời vợi. Chắc chắn ông đã mất tiền vệ con thoi quan trọng nhất của mình trong chiến dịch vòng loại World Cup vào tháng 6. Sau đấy nữa, chẳng ai biết tương lai của Dũng “chíp” sẽ ra sao.
Nỗi ám ảnh lò SLNA
Xót xa, thương cảm Đỗ Hùng Dũng bao nhiêu, thì người hâm mộ lên án, công kích Ngô Hoàng Thịnh bấy nhiêu. Dù có thể hiện sự thảng thốt ngay trên sân, dù có vào tận xe cứu thương thăm hỏi Hùng Dũng, Hoàng Thịnh cũng không có cách gì xoa dịu được lỗi lầm khủng khiếp của mình.
Bóng đá là trò chơi chứa đựng nhiều rủi ro, mọi va chạm đều chỉ xảy ra trong tích tắc và khi đã cuốn vào máu lửa, người ta khó có thể hình dung nổi sự thảm khốc do mình tạo nghiệp. Nhưng cũng không thể vin vào đó mà đánh đồng nhiệt huyết với lối chơi thô bạo và triệt hạ.
Đây không phải lần đầu tiên Hoàng Thịnh truy cản đối phương bằng gầm giày, bằng những cú phi thân song song mặt đất. Nó là đặc trưng của anh, cũng là đặc trưng của một cầu thủ mang thiên hướng phòng ngự hoặc thu hồi bóng xuất thân từ lò đào tạo SLNA.
SLNA không thiếu những cầu thủ kỹ thuật như Văn Quyến, Như Thuật, Quang Tình hay Khắc Ngọc đang khoác áo Viettel. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ SLNA vẫn được nhắc đến nhiều hơn ở khía cạnh chém đinh chặt sắt, mà đại diện là Hữu Thắng, Huy Hoàng một thuở, rồi thế hệ kế tục là những Trần Đình Đồng…
Đình Đồng từng bị treo giò 28 trận, một mức án kỷ lục khiến hãng thông tấn hàng đầu thế giới Reuters phải đưa tin, vì làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng (An Giang) năm 2014 bằng một cú tắc bóng dọc biên. Quế Ngọc Hải chỉ một năm sau đó, gây ra sự kiện còn chấn động hơn khi đạp vào đầu gối Anh Khoa (Đà Nẵng) khiến cầu thủ này buộc phải giải nghệ. Bản thân Hải “Quế” cũng điêu đứng vì án phạt và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Dĩ nhiên, đấy chỉ là những “án điểm” gây sự chú ý bởi mức độ nghiêm trọng của nó. Còn vô số những pha bóng bạo lực khác được nhắm mắt làm ngơ, nó tạo thành tiền lệ xấu khiến các cầu thủ SLNA từ tuyến trẻ đã “ngấm” cách đá rát để đối thủ chùn chân, để tạo lợi thế, để gây sức ép và vô tình, theo năm tháng, nó tự chuyển hóa thành bản năng.
Có thể hôm 23/3, Hoàng Thịnh không cố tình đạp vào cổ chân Hùng Dũng, chỗ hiểm yếu nhất, mong manh nhất. Ở ngoài đời, hai người còn là bạn. Nhưng bản năng của một cầu thủ sinh tồn trong cái môi trường khắc nghiệt của lò Sông Lam, đã khiến anh không ghìm chân lại như nhiều người khác sẽ làm để giữ đôi chân cho đồng nghiệp.
Với Hùng Dũng, cũng giống Anh Hùng, Anh Khoa, mọi thứ giờ đã an bài, chỉ trông chờ may mắn. Còn với Hoàng Thịnh, chuỗi ngày tới đây của anh liệu có hoảng loạn và ám ảnh như Quế Ngọc Hải năm 2015 hay không?