Hưng Nguyên, Nghệ An: Nhà máy nước tiền tỷ làm xong 'đắp chiếu'
Dự án Nhà máy nước sạch Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) với công suất 1.000m3/ngày đêm được kỳ vọng là nguồn cung cấp nước sạch cho khoảng 1.300 hộ dân. Công trình đến nay đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác vì nhiều lý do. Sống bên cạnh nhà máy nước tiền tỷ nhưng hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải dùng nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm.
Clip nhà máy nước tiền tỷ làm xong không đủ năng lực vận hành:
Xây xong để đó
Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND huyện Hưng Nguyên phê duyệt hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công Nhà máy nước sạch Hưng Thông. Dự án này nằm trong tổng thể Dự án đầu tư xây dựng quần thể lưu niệm Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, được phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư.
Trong đó, riêng gói thầu xây dựng Nhà máy nước có tổng mức đầu tư 25,8 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: cụm đầu mối (trạm bơm cấp I, II; hồ chứa nước thô, bể lắng; bể lọc; bể chứa nước sạch; nhà điều hành…), mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 (lắp đặt cho các hộ dân và các nơi tiêu thụ nước với tổng chiều dài dự kiến là 10.000m bằng ống nhựa).
Khi dự án được phê duyệt và nhà máy khởi công, người dân xã Hưng Thông háo hức, kỳ vọng về nguồn nước sạch để sử dụng, bởi nguồn nước lâu nay người dân sử dụng chủ yếu là nước khoan nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng, cùng với nước từ các con kênh đào không đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, từ khi khởi công đến khi hoàn thành, nhà máy không chỉ chậm tiến độ mà đến nay vẫn chưa thể đi vào vận hành như thiết kế ban đầu.
Ông Phan Văn Thế (trú tại xóm 1, Hưng Thông), nơi đặt nhà máy nước, buồn rầu cho biết: “Khi bắt đầu khởi công nhà máy nước năm 2015, nhân dân chúng tôi mừng lắm, nghĩ là sắp có nước sạch dùng rồi. Thế mà sau một thời gian thi công ì ạch, đến nay đã làm xong rồi nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy đưa vào hoạt động. Thành ra chúng tôi vẫn phải dùng các nguồn nước bị ô nhiễm. Bỏ một đống tiền để xây nhà máy rồi để không, nhân dân chúng tôi cũng thấy bức xúc lắm”.
Còn bà Phan Thị Lợi, trú tại xóm 1, xã Hưng Thông, thở dài ngao ngán: “Cứ ngỡ nhà máy xây xong, người dân chúng tôi sẽ được dùng nước sạch. Ai ngờ chúng tôi vẫn phải dùng nước mưa dự trữ và nước giếng đào để sinh hoạt. Mặc dù biết nguồn nước hiện tại dân chúng tôi đang dùng là không đảm bảo, nhưng vẫn phải sử dụng chứ không thì biết lấy nước đâu mà sinh hoạt. Mùa mưa còn hứng được nước mưa, nhưng vào mùa khô đỉnh điểm thì không thể đủ dùng mặc dù lượng nước sử dụng đã phải tiết kiệm hết sức. Nhà máy nước thì xây dựng khang trang nhưng lại không có giọt nước nào cho nhân dân dùng”.
Ông Phạm Ngọc Văn, trưởng thôn xóm 1, cho biết: “Hiện tại người dân nơi đây đang hết sức mong mỏi được sử dụng nước sạch. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, lần nào chúng tôi cũng có ý kiến, nói lên nguyện vọng của dân là thế nhưng đến nay đã 5 năm công trình vẫn án binh bất động.
Theo ghi nhận tại nhà máy nước sạch xã Hưng Thông, mặc dù chưa đưa vào sử dụng nhưng nhiều hạng mục của công trình cấp nước hàng chục tỷ đồng này đã có dấu hiệu xuống cấp. Nghiêm trọng nhất là bờ kè của hai hồ chứa nước, nhiều nơi xuất hiện những vết nứt kéo dài.
Chưa thể vận hành vì... thiếu đủ thứ
Nguyên nhân cho việc nhà máy nước Hưng Thông dù đã xây xong mà vẫn đang đắp chiếu, có lẽ bắt đầu ngay từ khi khảo sát và phê duyệt dự án. Mặc dù được đầu tư lên đến 25,8 tỷ đồng nhưng đến nay khi phát sinh các vấn đề, có thể thấy công tác khảo sát cũng như các nội dung trong quyết định phê duyệt là chưa đầy đủ, rõ ràng.
Cụ thể, nhà máy nước sạch Hưng Thông trước khi xây dựng đã không xác định được tỷ lệ đóng góp của người dân hưởng lợi là bao nhiêu, cũng không xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm vận hành, quản lý nhà máy nước trong khi trên địa bàn huyện không có đơn vị nào có đủ năng lực để giao quản lý, khai thác, vận hành nhà máy.
Hiện tại nhà máy đã thi công xong nhưng chưa có hệ thống đường ống cấp 4 và đấu nối vào các hộ tiêu thụ do các hạng mục này không có trong dự toán và thiết kế đã phê duyệt ban đầu. Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt hạng mục đầu tư xác định nguồn nước đầu vào của nhà máy được lấy từ sông Hoàng Cầu, thế nhưng thực tế sông Hoàng Cầu ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, chính vì thế phương án lấy nguồn nước sông này rất khó để đảm bảo cho nhà máy có nguồn nước vận hành ổn định, liên tục. Vì thế bây giờ muốn vận hành nhà máy, lại phải làm đường ống dẫn nước sông Lam về xử lý. Thế nhưng để đầu tư các hạng mục về đường ống này cần phải có nguồn kinh phí lớn (khoảng 6 tỷ đồng), trong khi ngân sách huyện không cân đối được.
Chính vì những sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong quá trình đầu tư ban đầu này, dẫn đến một vòng luẩn quẩn, vướng cái này, thiếu cái kia mà hậu quả nhãn tiền mà ai cũng thấy là hàng chục tỷ đồng đầu tư vẫn đang bị bỏ không trong khi người dân vẫn đang phải dùng nguồn nước ô nhiễm.
Trước thực trạng này, mới đây, vào ngày 2/7/2019, UBND huyện Hưng Nguyên đã làm Tờ trình số 203/TTr.UBND, gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề xuất phương án giao cho Công ty CP Thương mại và Phát triển hạ tầng (có trụ sở tại TP Vinh), quản lý và vận hành nhà máy trong thời hạn 50 năm. Theo như UBND huyện Hưng Nguyên xác nhận thì phía đối tác sẽ đầu tư các hạng mục: mạng đường ống cấp 4 đấu nối tới hộ tiêu thụ; đường ống cấp nguồn nước thô từ sông Lam về nhà máy, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp công suất nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch đủ khối lượng, chất lượng cho các xã vùng lân cận, phát huy hiệu quả tối đa công trình.
Trong phương án bàn giao này, Công ty CP Thương mại và Phát triển hạ tầng sẽ trả nợ trong vòng 20 năm (sau 3 năm kể từ ngày nhận bàn giao công trình), trong đó mỗi năm doanh nghiệp trả nợ ít nhất bằng 1/20 giá trị công trình. Mặc dù vậy, đến nay UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa có kết luận cuối cùng về ý kiến đề xuất của huyện Hưng Nguyên.
Ông Cao Anh Đức - Chủ tịch UBND xã Hưng Thông - cho biết, công trình do huyện làm chủ đầu tư, xã là đơn vị cấp dưới thực hiện theo chỉ đạo. Hiện nay xã cũng đang chờ huyện chọn đơn vị vận hành, sau khi xác định được đơn vị vận hành thì xã mới thông báo cho người dân đăng ký danh sách sử dụng.
“Vừa rồi chúng tôi đã đối thoại với các hộ dân xóm 1,2 về vấn đề nhà máy nước sạch. Hầu hết người dân nơi đây đang mong mỏi có nước sạch để sử dụng. Về việc có vận hành hay không, đưa vào vận hành lúc nào… hiện nay xã cũng đang chờ huyện chọn đơn vị vận hành, riêng xã thì không thể vận hành vì không đủ năng lực. Sau khi thống nhất được đơn vị vận hành thì xã mới thông báo cho người dân đăng ký danh sách sử dụng nước sạch được”, ông Đức nói.
Như vậy, những người dân như ông Thế, ông Văn, bà Lợi và hàng trăm hộ dân khác có thể không thể biết lý do của việc nhà máy nước Hưng Thông đã xây xong nhưng vẫn “đắp chiếu” để không, nhưng vẫn phải tiếp tục dùng nguồn nước ô nhiễm và mòn mỏi chờ đợi chính quyền xử lý xong để có nước sạch để sử dụng. Có lẽ, mỗi khi đi qua nhà máy nước “chục tỷ” này, những người dân xã Hưng Thông lại có thêm nhiều cái lắc đầu ngao ngán.