Hưng Thịnh Incons (HTN): Lãi ròng năm 2022 đạt 1/3 mục tiêu
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán: HTN) vừa công bố Báo cáo tài chính Quý IV/2022. Kết quả, doanh thu thuần lũy kế cả năm 2022 đạt 5.465 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch, trong khi lãi ròng chỉ đạt 88 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch.
Ngành xây dựng đối diện nhiều thách thức, dòng tiền thuần kinh doanh của Hưng Thịnh Incons âm hơn 1.000 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Hưng Thịnh Incons, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong quý đạt 1.215 tỷ đồng, giảm 54%; lợi nhuận gộp đạt 37 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, công ty có doanh thu tài chính đạt 20 tỷ đồng, giảm không đáng kể. Tuy nhiên, sau khi trừ khi phí, đặc biệt chi phí tài chính tăng 38%, đạt 65 tỷ đồng, Hưng Thịnh Incons ghi nhận lỗ trước thuế 38,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 123 tỷ đồng; lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty mẹ, cả doanh thu và lợi nhuận quý IV/2022 của DN đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2021 do chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ tăng đáng kể.
Lũy kế năm 2022, Hưng Thịnh Incons ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.464 tỷ đồng.Biên lợi nhuận gộp cả năm duy trì ở mức 8% nhờ vào các biện pháp kiểm soát chi phí giá vốn nhưng chi phí hoạt động và chi phí lãi vay tăng khiến biên lợi nhuận ròng giảm chỉ còn 2% (chi phí tài chính 244 tỷ đồng, tăng 28%; chi phí quản lý 134 tỷ đồng, tăng 19%).
Kết năm 2022, doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.
Năm 2022, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu doanh thu 7.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận.
Tình hình kinh doanh ảm đạm của Hưng Thịnh Incons trong bối cảnh khó khăn chung của ngành xây dựng cũng được thể hiện phần nào qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền kinh doanh thuần năm 2022 âm 1.011 tỷ đồng (năm 2021 âm 218 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản phải thu (1.198 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (601 tỷ đồng), chi lãi vay và lãi hợp đồng hợp tác đầu tư (115 tỷ đồng).
Nợ vay tăng gần 30%, tiền và tương đương tiền chỉ còn 83 tỷ đồng
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HTN đạt 9.053 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chủ yếu đến từ tăng khoản mục tài sản ngắn hạn. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.449 tỷ đồng, tăng 17%. Hàng tồn kho đạt 1.673 tỷ đồng, tăng 54%.
Đáng chú ý, tiền và tương đương giảm gần 5 lần so với đầu năm, chỉ còn 83 tỷ đồng do lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, Hưng Thịnh Incons ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ phải trả đạt 7.563 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 2.537 tỷ đồng, tăng 29%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 1.490 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HTN là 5,07 lần.
Nợ vay tăng trong khi tiền và tương đương tiền giảm mạnh cũng gây tác động đến một số hệ số thanh toán của Hưng Thịnh Incons, chẳng hạn hệ số thanh toán tức thời (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) đến 31/12/2022 chỉ còn 0,011 lần.
Theo báo cáo triển vọng ngành xây dựng 2023 công bố ngày 3/1, nhóm phân tích Chứng khoán VCBS nhận định năm 2023 có thể tiếp tục là năm tương đối khó khăn với nhóm xây dựng dân dụng chủ yếu thi công các công trình chung cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại (bao gồm Hưng Thịnh Incons).
Theo đó, trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp khi số dự án được cấp phép ở mức thấp, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng cộng thêm nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn.
Cùng đó là rủi ro trích lập dự phòng phải thu đáng kể - nhất là trong nửa cuối năm 2023 do một lượng đáng kể TPDN sẽ bắt đầu đáo hạn và sẽ tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Theo VSBC, nhiều chủ đầu tư có thể thiếu hụt nghiêm trọng về dòng tiền khi áp lực trích dự phòng phải thu dần mạnh mẽ từ giữa năm 2023, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho các nhà thầu.
Dù vậy, điểm tích cực là các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, đặc biệt các dự án cao tầng và xây dựng công nghiệp sẽ hưởng lợi lớn do xu hướng hạ nhiệt của giá nguyên vật liệu, nhất là các nguyên liệu thép/ tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp trên dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.