Hưng Thịnh khai thác tốt tiềm năng kinh tế
Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đoàn kết, tận tụy với công việc, tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh là tiền đề, nền tảng quan trọng để Đảng bộ xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên có đủ năng lực lãnh đạo kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
>> Hướng đi mới của nông dân Hưng Thịnh
Từ sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng luôn đạt và vượt chỉ tiêu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Cùng bà Vũ Thị Hà - Bí thư Chi bộ thôn Yên Ninh đi thăm các mô hình phát triển kinh tế trong thôn, bà Hà phấn khởi chia sẻ với chúng tôi "Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn xã thay đổi rõ rệt, đường bê tông về đến tận các thôn. Các công trình phúc lợi ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn”.
Thôn Yên Ninh là thôn trung tâm của xã, nên ngoài phát triển các ngành nghề dịch vụ, người dân tận dụng tiềm năng thế mạnh về đất đai để trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi. Đến nay, toàn thôn có trên 110 ha rừng, 4 ha cây ăn quả và 4 mô hình chăn nuôi tập trung, thu nhập bình quân của thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 0,66%.
Thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Thanh Khang, chúng tôi bất ngờ trước sự bố trí khoa học của gia đình để tận dụng được hết diện tích đất sản xuất. Anh Khang cho biết: "Do diện tích đất sản xuất không nhiều, nhân lực ít, nên tôi đã dành quỹ đất trên 2.000 m2 để trồng bưởi da xanh, gần 1.000 m2 để chăn nuôi bò, dê, chim bồ câu và diện tích còn lại là ao nuôi thủy sản và rừng. Sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp đã cho gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm”.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Hưng Thịnh tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật của nhân dân gắn với bảo vệ môi trường.
Hiện, xã có trên 300 ha vùng cây ăn quả có múi, hàng năm cho thu trên dưới 1.300 tấn quả; 580 hộ buôn bán hàng tạp hóa, hàng chục hộ chăn nuôi tập trung với nhiều con đặc sản như: dúi, hươu, dê, ba ba, gà đen, chim bồ câu… Ngoài ra, các ngành nghề nông thôn được nhân dân phát triển mạnh; từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng lên rõ rệt.
Anh Đinh Xuân Linh ở thôn Yên Thành - một trong những hộ nuôi dúi có hiệu quả kinh tế cao cho biết: "Nếu so sánh với các vật nuôi khác thì nuôi dúi đầu tư chuồng trại, con giống ít, thời gian nuôi cũng không dài, nguồn thức ăn đa dạng, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ rộng mà giá thành cao, thu nhập ổn định”.
Đồng chí Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh cho biết: "Hằng năm, các ngành, đoàn thể, các chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên chọn từ 1-2 việc làm theo để thực hiện. Đảng ủy xã cũng chú trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, đảng viên.
Qua đó, Đảng bộ xã đã lan tỏa nhiều phong trào thi đua thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia như: Phong trào thi đua "Dân vận khéo”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; "Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, "Thanh niên lập nghiệp”...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng bộ xã Hưng Thịnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xác định hướng đi của xã là phát triển nông nghiệp toàn diện; trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn. Theo đó, Đảng ủy xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động và khuyến khích nhân dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình gia trại, trang trại.
Cùng đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, xã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2020 đến nay, Hưng Thịnh phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện, Trung tâm đạy nghề huyện Trấn Yên; các trường nghề trong và ngoài tỉnh đào tạo nghề được 8 lớp cho 240 lao động nông thôn; giải quyết việc làm mới cho 406 lao động; chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 217 người, đáp ứng nhân lực cho 13 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn xã.
Anh Mai Văn Tình - Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả có múi cho biết: "Nhờ tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên các hộ thành viên trong HTX được nâng cao kiến thức trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả từ khâu trồng, chăm sóc, đến thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, HTX có 2 sản phẩm là quýt Đường canh và bưởi Diễn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao; nhờ đó, đã nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát huy các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình kinh tế - xã hội xã Hưng Thịnh tiếp tục ổn định và phát triển, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên trên 47 triệu đồng/người/năm và giảm hộ nghèo còn 2,29%.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thanh cho biết thêm: "Thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), trọng tâm là thực hiện đạt kết quả cao chuyên đề năm 2023. Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để nâng cao đời sống cho người dân, phấn đấu năm 2024 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm và xã được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân thêm khởi sắc, đã góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ xã Hưng Thịnh tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/299967/hung-thinh-khai-thac-tot-tiem-nang-kinh-te.aspx