Hưng Yên: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử

Di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa là tài sản quý giá không thể thay thế, không thể tái sinh, nhưng lại rất dễ bị biến dạng và tổn thương trước tác động của các yếu tố tự nhiên và con người. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của sự nghiệp phát triển văn hóa, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi) mới được đầu tư xây dựng và khánh thành tháng 1.2021

Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Hưng Yên có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 1.802 di tích, trong đó, 3 di tích, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 172 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia, 257 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh; 5 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 500 lễ hội, 147 làng nghề truyền thống, 243 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, ngụ ngôn, truyện cổ tích, hát ru, văn tế; hát trống quân và Lễ hội đền Tống Trân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử của tỉnh gắn với phát triển du lịch được các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó có Đề án đầu tư tu bổ, chống xuống cấp các di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện tu bổ, chống xuống cấp cho 105 di tích (74 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh) với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Đầu tư phục hồi, xây dựng một số di tích trọng điểm của tỉnh như: Nhà lưu niệm lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và Liệt sỹ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Thị Kính (thị xã Mỹ Hào); Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi); Đền thờ Triệu Việt Vương (Khoái Châu); Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình (Yên Mỹ); Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân (thành phố Hưng Yên)...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh đối với Lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch, Lễ hội đền An Xá (Đậu An), Lễ hội đình Quan Xuyên, Lễ hội cầu mưa chùa Thái Lạc, làng nghề hương xạ Cao Thôn, đúc đồng Lộng Thượng, chạm bạc Huệ Lai... Tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật hát ca trù, hát trống quân cho hạt nhân văn nghệ cơ sở; tham gia các hội thi, hội diễn do Trung ương tổ chức và đạt nhiều thành tích cao. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, di tích lịch sử của tỉnh được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, quảng bá qua mạng xã hội, sản xuất phim, tham gia hội chợ, triển lãm tại các địa phương... Nhiều di tích đã trở thành điểm đến quen thuộc đối với du khách thập phương như: Khu di tích Phố Hiến; Khu di tích Đa Hòa - Dạ Trạch; Di tích đền An Xá (Đậu An); Di tích đền Phù Ủng; Di tích chùa Nôm, làng Nôm... Nhờ đó, tốc độ phát triển du lịch của tỉnh đạt 10-15%/năm; khách du lịch đến với Hưng Yên ngày càng tăng.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế nhiều quy hoạch, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa chậm được triển khai. Nhiều di tích xuống cấp chưa được quan tâm đầu tư tu bổ. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị thất truyền. Còn tình trạng người dân lấn chiếm, xâm phạm, tự ý xây dựng trên khu vực bảo vệ, phá hoại cảnh quan tại một số di tích và lợi dụng di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích để thu lợi, làm thay đổi giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

Múa rồng tại lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi). Ảnh tư liệu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 8.10.2021 về Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Hưng Yên trở thành “Một trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”.

Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện mục tiêu đề ra trong nghị quyết, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm kê hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các dự án: Mở rộng khuôn viên Văn miếu Xích Đằng, đền Mẫu, đền Trần; phục dựng đô thị cổ Phố Hiến; lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch và công nhận bảo vật quốc gia đối với 2 hiện vật; quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực làng Nôm; phấn đấu xây dựng Khu du lịch Phố Hiến trở thành Khu du lịch quốc gia; lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi), lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu), lễ hội đền An Xá (Tiên Lữ), làng nghề đúc đồng Lộng Thượng (Văn Lâm), làng nghề hương xạ Cao Thôn (thành phố Hưng Yên); từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ và số hóa hiện vật, tài liệu, di sản văn hóa phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách…

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202111/hung-yen-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-di-tich-lich-su-f893e54/