Hưng Yên: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa

Ngày 27/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024 với gần gần 3.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến qua 10 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị.

Dự Hội nghị tại đầu cầu tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Cùng dự còn có đại diện đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.

Hội nghị Văn hóa tỉnh Hưng Yên năm 2024 được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá, bàn sâu về lĩnh vực văn hóa của tỉnh với các mục tiêu:

Thứ nhất, cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị thế, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm.

Thứ tư, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Hưng Yên thời kỳ mới.

Thứ năm, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hưng Yên, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.

NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN NÉT BẢN SẮC VĂN HÓA RIÊNG CỦA HƯNG YÊN

Nằm ở trung tâm Đồng bằng Sông Hồng, Hưng Yên là tỉnh giàu truyền thống văn hiến và cách mạng; nơi sinh của nhiều bậc hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Hưng Yên hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử phong phú, đặc sắc với 1.803 di tích các loại; 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; 567 lễ hội truyền thống, trong đó có 6 lễ hội được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 128 đơn vị ca dao, tục ngữ, hò, vè, sự tích, hát ru, văn tế; 111 loại hình tri thức dân gian; 166 làng nghề thủ công truyền thống.

Từ thế kỷ XVII, Hưng Yên đã nổi danh với Thương cảng Phố Hiến, có 23 phố phường. Hưng Yên cũng là “cái nôi” của phong trào xây dựng gia đình văn hóa được khởi nguồn tại Ngọc Long, huyện Yên Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước, sau đó lan tỏa rộng ra toàn quốc tới ngày nay. Những yếu tố đó góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của tỉnh Hưng Yên.

Qua 27 năm tái lập tỉnh, từ năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực văn hóa đã có những bước phát triển khá toàn diện. Các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giai đoạn 2017-2019, tỉnh hỗ trợ 123 tỉ đồng xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; ngân sách các địa phương huy động 250 tỉ đồng để xây mới, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho trung tâm văn hóa huyện, xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đầu tư từ nguồn đầu tư công và nguồn ngân sách thường xuyên để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho 60 di tích xếp hạng quốc gia, với kinh phí 386 tỉ đồng; 37 di tích cấp tỉnh, với kinh phí 150 tỉ đồng và 25 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác, với kinh phí trên 70 tỉ đồng.

Trong những năm qua, nhiều gương điển hình tiên tiến trong các Phong trào thi đua yêu nước, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội. Năm 2023, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 92,5%; tỉ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa là 89,8%; tỉ lệ gia đình văn hóa là 92,2%. Giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng. Một số chuẩn mực đạo đức, lối sống của con người trong giai đoạn mới đã được đưa vào quy ước, hương ước làng, xã. Giá trị văn hóa trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy…

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤN HƯNG VĂN HÓA

Tại Hội nghị, bên cạnh nhấn mạnh, làm rõ thêm những kết quả và kinh nghiệm trong bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, các đại biểu cũng cho cho rằng, những năm qua vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa còn có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Một số chính sách và hiệu lực, hiệu quả quản lý trên lĩnh vực văn hóa còn có bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp. Việc xác định, khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa dành cho phát triển du lịch còn hạn chế…

Cùng với đó, Hội nghị cũng đã nghe tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành của tỉnh về những nội dung: Văn hóa Hưng Yên trong dòng chảy văn hóa dân tộc; thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người Hưng Yên trong bối cảnh hiện nay; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; nhận diện bản sắc văn hóa, con người Hưng Yên trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá cao những thành tựu của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên trong xây dựng, phát triển văn hóa con người Hưng Yên.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Cùng với cả nước, tỉnh Hưng Yên đã triển khai những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, các thiết chế văn hóa từng bước được đồng bộ; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và được khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng…

Để tạo bước đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn nữa trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện các Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển văn hóa, con người; đặc biệt ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chấn hưng văn hóa Việt Nam; hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, những xuất bản phẩm kém giá trị, tuyên truyền những tư tưởng thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên internet và mạng xã hội.

Triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cơ quan, đoàn thể có cách làm hay sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp.

Đồng thời, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Hưng Yên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực văn hóa, tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế. Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và cơ sở đảm bảo đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng các đại biểu xem trưng bày các ấn phẩm sách về văn hóa Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng các đại biểu xem trưng bày các ấn phẩm sách về văn hóa Hưng Yên.

ĐƯA HƯNG YÊN TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ THÔNG MINH, GIÀU ĐẸP, VĂN MINH, VĂN HIẾN, GIÀU BẢN SẮC VĂN HÓA

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, với mục tiêu đưa Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân cần phải xác định:

Một là, phát triển văn hóa, con người Hưng Yên là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, thường xuyên, liên tục, phải được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị.

Ba là, quan tâm phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống nhất là văn hóa Phố Hiến cổ gắn với phát triển du lịch; tăng cường giới thiệu, quảng bá, lan tỏa rộng rãi hình ảnh, giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Hưng Yên ra thế giới.

Bốn là, huy động các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ; chăm lo phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn nghệ cơ sở.

Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng con người Hưng Yên phát triển toàn diện, trở thành động lực, nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng hưng thịnh, yên bình…/.

MINH HOÀNG

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/hung-yen-day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-ve-van-hoa-156122