Hưng Yên: Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện nay đang có 30 ca mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị khoảng 330 ca mắc, trong đó 300 ca đã xuất viện, không có ca tử vong, một số ca được chuyển tuyến trên. Trong số đó, phần lớn là bệnh nhân người trong tỉnh.
Bác sĩ Trần Đức Băng, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, khoảng tháng 8 xuất hiện các ca bệnh lẻ tẻ, phần lớn là đi từ các tỉnh, thành phố khác về địa phương. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, đa số các ca bệnh là người sinh sống tại địa phương. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị từ 30 đến 40 ca. Nhiều ca bệnh là người trong cùng gia đình, lần lượt vào điều trị tại khoa trong vòng 2 đến 3 tuần. Qua giám sát các ca bệnh điều trị tại khoa, nhiều ca bệnh ở cùng địa bàn dân cư như xã Nhuế Dương (Khoái Châu), các xã: Thủ Sỹ, Hưng Đạo (Tiên Lữ), trên địa bàn thành phố Hưng Yên xuất hiện ở một số xã, phường như: Quảng Châu, Hiến Nam, Lam Sơn. Bệnh nhân Nguyễn Duy Q. trên 80 tuổi, ở thôn An Cảnh, xã Bình Kiều (Khoái Châu) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, gia đình chỉ có một mình ông mắc sốt xuất huyết, thường ngày ông ở nhà, không biết nguồn lây từ đâu. Con trai ông Q. cho biết, khu dân cư ông ở có một số người mắc sốt xuất huyết cũng đi điều trị ở cơ sở y tế.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trj tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Các bệnh nhân vào điều trị phần lớn ở mức độ trung bình và nặng. Theo bác sĩ Trần Đức Băng, khi bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu thường được dùng thuốc điều trị, truyền dịch tại nhà, bệnh không giảm mới nhập viện. Nhiều trường hợp đã có các biểu hiện tụt huyết áp, xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu trong cơ (xuất hiện khoảng bầm tím lớn), xuất huyết tiêu hóa, có ca phải thở máy. Trường hợp nhẹ thì điều trị từ 5 đến 7 ngày; trường hợp nặng cần phải điều trị hết biến chứng.Tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà hiện nay có khoảng 10 ca mắc sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Có thời điểm, bệnh viện điều trị 20 ca/ngày. Tại Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên vẫn thường xuyên ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết. Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu cũng thường xuyên tiếp nhận các ca mắc sốt xuất huyết, thời điểm nhiều lên tới 20 ca/ngày… Các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết điển hình là cơ thể sốt cao, đột ngột từ 39 đến 400C, đau mỏi người, đau đầu; trẻ nhỏ mệt mỏi, nôn ói, lừ đừ. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu sốt 3 ngày khi dùng những loại thuốc hạ sốt thông thường không cắt, nên đi khám, làm xét nghiệm; sốt cao kèm theo nôn ói, lừ đừ, mệt mỏi, người đau nhức chưa đủ 3 ngày, cần đi khám ngay; người xuất hiện các triệu chứng trên sống trong vùng có nhiều người mắc sốt xuất huyết cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, kê đơn, chăm sóc, tránh để bệnh tiến triển nặng.Theo các bác sĩ, khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh sốt xuất huyết sẽ giảm dần. Tuy nhiên, mọi người vẫn phải chú ý phòng bệnh. Theo đó, đối với cá nhân, để tránh bị muỗi đốt, cần mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài, nhất là lúc nhá nhem tối, xịt thuốc phòng muỗi đốt ở chân, tay; để phòng, tránh bệnh trong cộng đồng, cần diệt muỗi trong gia đình, làng xóm, hạn chế điều kiện thuận lợi muỗi sinh sôi như phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường, vứt bỏ mảnh vỡ có thể đọng nước...
Đào Doan