Hưng Yên hỗ trợ trên 100 triệu với GVMN, tiểu học tuyển mới: Thầy cô vui mừng
Theo các Trưởng phòng GD tại Hưng Yên, chính sách hỗ trợ cho GV mầm non và tiểu học sẽ góp phần thu hút, động viên HS đăng ký học sư phạm.
Hỗ trợ giáo viên mầm non và tiểu học trên 100 triệu đồng
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết 385/2023/NQ-HĐND hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Cụ thể, mức hỗ trợ giáo viên tiểu học là 108 triệu đồng; giáo viên mầm non là 162 triệu đồng. Hỗ trợ 1 lần bằng tiền và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phụ cấp khác.
Một trong các điều kiện, tiêu chuẩn hưởng hỗ trợ là giáo viên phải có cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng.
Đối tượng đã nhận kinh phí hỗ trợ không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết (bao gồm cả trường hợp chuyển công tác khỏi đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh) hoặc vi phạm kỷ luật đến mức buộc thôi việc phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ đã nhận theo quy định (trừ trường hợp đặc biệt, không thể tiếp tục giảng dạy như: đột tử, tai nạn, bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên).
Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học chuyển công tác từ tỉnh ngoài đến tỉnh Hưng Yên; chuyển chức danh nghề nghiệp khác sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc tuyển dụng viên chức trước ngày 01/8/2023, không thuộc đối tượng áp dụng nghị quyết.
Kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ theo nghị quyết từ nguồn ngân sách tỉnh và được bố trí trong dự toán của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực tiếp sử dụng viên chức khi tuyển dụng hàng năm theo quy định.
Nghị quyết 385/2023/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
Trước đó, Tờ trình số 262/TTr-SNV ngày 01/6/2023 của Sở Nội vụ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đã đề cập đến cơ sở thực tiễn.
Cụ thể như sau: “Lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học thấp, chưa tạo được động lực thu hút đội ngũ này vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập. Tại những khu công nghiệp có sự chênh lệch lương quá lớn giữa giáo viên và công nhân lao động. Lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng trong khi lương một công nhân làm việc cùng khu vực lại được 7-8 triệu đồng. Cùng địa bàn, cùng phải chi phí sinh hoạt như nhau, nhưng giáo viên có thu nhập thấp chỉ bằng một nửa ngành nghề lao động khác.
Do đó, đồng lương chưa tương xứng với lao động nghề giáo nên giáo viên mong có thời gian, thêm cơ hội tìm việc làm để tăng thêm thu nhập dẫn đến xu hướng dịch chuyển lao động, chảy máu chất xám từ lĩnh vực sư phạm sang các ngành nghề khác, đặc biệt lĩnh vực giáo dục công sang giáo dục tư.
Nhằm kịp thời bảo đảm yêu cầu về số lượng và tăng cường về chất lượng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trong thời gian tới, việc trình Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là rất cần thiết, góp phần động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hăng say học tập, tích cực xây dựng quê hương, đất nước, đáp ứng xu thế phát triển nền kinh tế số, hội nhập toàn cầu trong giai đoạn hiện nay”.
Chính sách mới góp phần tạo động lực thu hút nguồn tuyển giáo viên
Trước thông tin này, cô giáo Nguyễn Thị Nga - một giáo viên mầm non tại huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) bộc bạch: “Mặc dù tôi không thuộc diện được hưởng chính sách này do đã công tác nhiều năm trong ngành, nhưng cũng cảm thấy vui mừng không kém các đồng nghiệp trẻ tương lai.
Thứ nhất, những người đang từ môi trường đào tạo sư phạm đi ra sẽ có cơ hội tốt hơn khi quyết định theo nghề. Thứ hai, khi địa phương thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng giáo viên, cơ sở giáo dục nơi tôi công tác cũng như ngành giáo dục nói chung sẽ có cơ hội được bố trí, sắp xếp nhiều giáo viên hơn, góp phần giảm tải những công việc hiện tại của chúng tôi. Như vậy, sĩ số lớp có thể giảm xuống, trẻ sẽ có cơ hội được chăm sóc tốt hơn”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đào Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cũng bày tỏ sự vui mừng khi nhắc đến chính sách mới: “Về tinh thần chung, ngành giáo dục đánh giá rất tích cực đối với Nghị quyết 385/2023/NQ-HĐND. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đồng thời cũng là một trong những cách thu hút, động viên các em học sinh tại địa phương có động lực đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm”.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Giang cũng chia sẻ thêm: “Về đội ngũ trong năm học 2022-2023 vừa qua, vẫn còn những khó khăn chung. Trước thềm năm học mới, phòng cũng đã có một số giải pháp để khắc phục. Trước mắt, khi chưa có kế hoạch tuyển dụng, tạm thời sẽ theo kế hoạch rà soát để bố trí, sắp xếp giáo viên cho phù hợp, tăng cường giáo viên từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều, có thể một giáo viên sẽ dạy nhiều trường khác nhau”.
Chia sẻ về chính sách mới, thầy Trương Văn Ty - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ân Thi (Hưng Yên) cũng cho biết: “Có được một chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ giáo viên như vậy, thực sự cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, để có được hiệu quả, để thu hút được nguồn tuyển, tôi cho rằng, cũng cần phải có thời gian. Chính sách áp dụng từ ngày 01/8/2023 đến năm 2030, nên chúng tôi cũng rất kỳ vọng trong thời gian tới, có nhiều chuyển biến trong việc thu hút giáo viên”.
Đề cập đến điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên trong năm học 2022-2023, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ân Thi cho hay: “Năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều đứng trước khó khăn chung về đội ngũ, thiếu rất nhiều so với định mức. Chẳng hạn, theo quy định, đối với nhóm nhà trẻ yêu cầu bố trí 2,5 giáo viên/lớp; đối với mẫu giáo yêu cầu bố trí 2,2 giáo viên/lớp. Nhưng thực tiễn hiện nay ở cả nhóm mẫu giáo lẫn nhà trẻ đều chỉ đáp ứng chưa đến 1,5 giáo viên/lớp.
Đối với bậc tiểu học, những năm qua, trên địa bàn huyện vẫn chưa đáp ứng được dạy 2 buổi/ngày. Theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp nhưng hiện nay mới chỉ ở mức bình quân 1,12 giáo viên/lớp (đó là tính cả số lượng giáo viên dạy các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất). Trong khi đó, đặc thù của tiểu học là số lượng giáo viên dạy văn hóa phải bằng số lớp, nhưng thực tế, số lớp lại nhiều hơn số giáo viên văn hóa, dẫn đến thiếu giáo viên.
Chính vì vậy, giải pháp tình thế của những năm qua là phải dồn lớp, tăng sĩ số, để đảm bảo có đủ số lượng giáo viên văn hóa làm công tác chủ nhiệm lớp. Quy định sĩ số của tiểu học là 35 học sinh/lớp, nhưng thực tế tăng lên 45-46 học sinh/lớp”.
“Hiện nay, theo lộ trình tinh giản biên chế hằng năm, năm 2021 so với 2015 phải giảm 10%, và đến 2026 tiếp tục giảm 10%... dẫn đến càng khó khăn cho ngành giáo dục. Và thậm chí, nhiều nơi có biên chế nhưng cũng không có nguồn tuyển. Đặc biệt các thầy cô dạy các bộ môn như Tiếng Anh, Tin học… lại có nhiều cơ hội việc làm ngoài khối nhà nước với thu nhập cao hơn, nên cũng khó tuyển dụng hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, với những chính sách thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến đội ngũ giáo viên như tinh thần của Nghị quyết 385/2023/NQ-HĐND, hứa hẹn sẽ tạo được phần nào sự khích lệ, động viên để thu hút được nguồn tuyển giáo viên” - thầy Trương Văn Ty tâm sự.