Hưng Yên: Hướng tới nền sản xuất công nghiệp xanh, sạch, bền vững
Để công nghiệp phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, tỉnh Hưng Yên đã và đang chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp…

Sản xuất tại Công ty TNHH DongYang E&P Việt Nam (thị xã Mỹ Hào)
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những yếu tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp (DN). Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đặt ra thách thức không nhỏ cho DN, buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới khi tham gia các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, đây là cơ hội quan trọng để DN quyết tâm chuyển đổi, phát triển theo hướng công nghiệp xanh, sạch, bền vững. Trong đó, phải kể đến vai trò “đầu tàu” của các KCN trong việc định hướng và phát triển theo hướng xanh hóa. Đây cũng là hướng đi tất yếu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho DN hoạt động trong KCN, qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới.
Để phát triển công nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh, tỉnh đã và đang tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của DN. Điển hình như: Khu Công nghiệp Thăng Long II, Khu Công nghiệp Sạch, Khu Công nghiệp số 05…. Trong đó, ngày 25/11/2022, Khu Công nghiệp (KCN) Sạch có quy mô sử dụng đất hơn 143ha được khởi công xây dựng. KCN được đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bởi các nhà đầu tư: Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn phát triển Hạ tầng và Đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài, Công ty xây dựng KBI, Ngân hàng Shinhan. Ông Lee Han Jun, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc cho biết: Năm 2017, tập đoàn đã hợp tác với tỉnh Hưng Yên và Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển 2 KCN và 1 khu đô thị với tổng diện tích 785ha, trong đó, KCN hợp tác kinh tế Hàn – Việt được ưu tiên xúc tiến đầu tiên. Sau giai đoạn 1 là dự án KCN Sạch, giai đoạn 2 sẽ đi vào triển khai Dự án “KCN xanh thông minh”, nhằm đáp ứng chính sách giảm thiểu các bon và sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Dự án khi hoàn thành có thể thu hút khoảng 60 doanh nghiệp của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động, dự kiến số tiền đầu tư lên tới 400 triệu USD, sản lượng hằng năm đạt 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động... Đối với dự án KCN Sạch, tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư tập trung huy động nguồn lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ, ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư đối với những dự án đầu tư có hàm lượng chất xám cao, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, tạo thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị phát triển bền vững, lâu dài để dự án KCN sạch trở thành KCN kiểu mẫu, hiệu quả, thân thiện.
Để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu. Đối với các dự án ngành dệt, nhuộm, sản xuất sắt thép, kim loại màu từ phế liệu, khi muốn mở rộng và tăng quy mô hoạt động sản xuất thì ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng của khu, cụm công nghiệp còn phải bảo đảm đạt trình độ công nghệ sản xuất từ mức trung bình tiên tiến trở lên, máy móc, thiết bị mới 100%. Cùng với đó, tỉnh chú trọng việc thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: Điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp dược phẩm, chế phẩm sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Xu hướng đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp của tỉnh thời gian qua là đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tăng vốn đầu tư vào một đơn vị diện tích đất bằng việc tăng mật độ sử dụng đất, đầu tư thiết bị, công nghệ cao, đầu tư dây chuyền đồng bộ; sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất… Để thu hút nguồn vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.
Với những thế mạnh về vị trí địa lý, được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với tầm nhìn chiến lược và nhất quán về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã hợp tác với nhiều tập đoàn tư vấn để xây dựng bản quy hoạch chiến lược. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đưa tỉnh bứt phá để phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ vươn lên trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại. Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh kiên quyết không thu hút, tiếp nhận những dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Với hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng hoàn thiện, an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nghiêm ngặt của nhà đầu tư, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch; đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics…