Hưng Yên: Khu đô thị Phố Nối sẽ có hơn 8.600 căn nhà ở xã hội
UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Phân khu A – Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5, thuộc Khu đô thị Phố Nối. Với quy mô lên tới hơn 262 ha và tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng, đây là một trong những dự án đô thị lớn nhất của tỉnh, đồng thời được kỳ vọng tạo đột phá về phát triển nhà ở xã hội khi cung ứng tới 8.666 căn hộ thuộc phân khúc này ra thị trường.
Dự án Phân khu A do Công ty Cổ phần Phát triển Khu đô thị xanh làm chủ đầu tư, được triển khai trên địa bàn thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Lâm (nay là phường Mỹ Hào và xã Lạc Đạo- tỉnh Hưng Yên). Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 262 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 45.000 người. Dự án cung cấp nhiều loại hình sản phẩm gồm nhà ở liền kề (3.811 căn), biệt thự (398 căn), căn hộ chung cư thương mại (11.807 căn), và nhà ở xã hội (8.666 căn).
Bên cạnh các công trình nhà ở, dự án còn bao gồm hệ thống công trình hạ tầng đô thị như trường học các cấp (từ mầm non đến liên cấp), công trình thương mại – dịch vụ, công trình thể thao, y tế, công viên cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phát triển một khu đô thị đồng bộ và hiện đại.

Dự án có quy mô hơn 262 ha, tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Phát triển Khu Đô thị xanh thực hiện.
Đáng chú ý, phần nhà ở xã hội, vốn là một trong những phân khúc đang thiếu hụt nghiêm trọng sẽ được phát triển trên 7 lô đất với tầng cao tối đa 15 tầng, quy mô hơn 8.600 căn hộ. Sự hiện diện của quỹ nhà ở xã hội lớn này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và công nhân lao động trong vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc.
Dự án được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2025 (Quyết định số 52/QĐ-UBND). Đến ngày 27/6/2025, tỉnh đã có quyết định chọn Công ty Cổ phần Phát triển Khu đô thị xanh là nhà đầu tư chính thức (Quyết định số 1618/QĐ-UBND).
Điều đáng chú ý là doanh nghiệp này mới được thành lập ngày 18/3/2025, chỉ hơn ba tháng trước thời điểm được chấp thuận là nhà đầu tư. Công ty có vốn điều lệ 5.250 tỷ đồng, trụ sở đặt tại tổ dân phố Yên Tập, phường Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, do ông Trần Kiên Cường làm Giám đốc.
Sự tham gia của một doanh nghiệp mới thành lập trong một dự án lớn với tổng vốn gần 35.000 tỷ đồng có thể đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực tài chính, năng lực triển khai thực tế, cũng như sự bảo đảm cho tiến độ và chất lượng đầu tư. Tuy nhiên, theo thông tin từ hồ sơ dự án, chủ đầu tư đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu pháp lý, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải trình quy hoạch và năng lực tổ chức thực hiện.

Dự án chuyển đổi khoảng 125 ha đất trồng lúa hai vụ.
Dự án dự kiến được triển khai trong vòng 11 năm, chia làm ba giai đoạn. Trong năm đầu tiên (2025), chủ đầu tư tập trung thực hiện các thủ tục về đất đai và xây dựng. Giai đoạn thứ hai (2026–2027) là thời kỳ xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, hệ thống điện nước, xử lý nước thải, cây xanh, mặt nước… Giai đoạn cuối (2028–2035) sẽ triển khai xây dựng các công trình đô thị, hoàn thiện toàn bộ dự án và đưa vào vận hành.
Tổng mức đầu tư được xác định là gần 35.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 28.550 tỷ đồng; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 1.177 tỷ đồng; chi phí thiết bị hơn 2.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có chi phí tư vấn, quản lý dự án, chi phí dự phòng và các khoản khác. Chủ đầu tư cho biết toàn bộ chi phí bảo vệ môi trường trong giai đoạn xây dựng cũng đã được tính toán đầy đủ trong các khoản chi, thể hiện cam kết phát triển bền vững.

Các sản phẩm chính của dự án bao gồm 3.811 căn nhà ở liền kề, 398 căn biệt thự, 11.807 căn chung cư thương mại và 8.666 căn nhà ở xã hội.
Một trong những điểm nhạy cảm của dự án là việc chuyển đổi diện tích lớn đất nông nghiệp, cụ thể là khoảng 125 ha đất trồng lúa hai vụ sang mục đích phi nông nghiệp. Diện tích này nằm trên phường Mỹ Hào và xã Lạc Đạo, hiện có hơn 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 36 hộ với tổng diện tích 26.801m2 vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Hiện trạng đất trong khu vực dự án gồm đất nông nghiệp (trồng lúa, hoa màu), đất nghĩa trang, mặt nước, giao thông nội đồng… Trong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư đã xác định rõ nguy cơ ảnh hưởng tới sinh kế của người dân, đặc biệt là những hộ chưa đồng thuận. Việc chuyển đổi đất lúa hai vụ cũng khiến dự án phải được xếp vào nhóm I – tức là nhóm dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, theo quy định tại Nghị định số 05/2025/NĐ-CP và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Do vậy, chủ đầu tư buộc phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, phê duyệt.
Theo định hướng phát triển vùng của tỉnh Hưng Yên, khu vực này được quy hoạch trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ – thương mại – nhà ở, là trung tâm động lực phát triển phía Bắc tỉnh. Dự án Phân khu A được kỳ vọng sẽ là một trong những hạt nhân phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở quy mô lớn nhất tại đây.
Với việc dành ra hơn 8.600 căn nhà ở xã hội trong tổng số hơn 24.000 căn nhà ở, dự án được đánh giá là có tỷ lệ quỹ nhà ở xã hội khá cao so với mặt bằng chung cả nước, đồng thời phù hợp với định hướng mà Chính phủ đang thúc đẩy.