Hưng Yên: Mở rộng cánh đồng sản xuất vụ đông tập trung, quy mô lớn
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng gần 8,6 nghìn ha cây rau màu các loại. Để cây vụ đông cho hiệu quả cao, ngành chuyên môn, các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp như: Quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo phương thức “cánh đồng tập trung, quy mô lớn”.
Nông dân xã Chính Nghĩa (Kim Động) làm đất gieo trồng rau màu vụ đông
Trong tổng số gần 8,6 nghìn ha rau màu phấn đấu gieo trồng trong vụ đông năm nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương gieo trồng 2 nghìn ha ngô, trong đó diện tích ngô trồng ngoài bãi 700 - 900 ha, trong đồng 1,1 nghìn đến 1,3 nghìn ha; gieo trồng 300 ha lạc, đậu tương; rau, màu các loại phấn đấu gieo trồng gần 6,3 nghìn ha, gồm các loai cây như khoai tây, bí xanh, bí ngô, rau các loại. Nhằm đa dạng các loại cây trồng vụ đông, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương trồng ngô trên đất bãi bằng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất cao như: CP.501, CP.l 11, P4124, NK7328... Đất cấy 2 vụ lúa (thu hoạch lúa mùa trước ngày 5.10) và đất chuyên màu tập trung trồng các giống ngô nếp HN88, HN68, Bạch Long... Ngô ngọt như Việt Thái, Golden Cob.... Cây đậu tương sử dụng các giống DT84, ĐT22, ĐT26, ĐVN5, ĐVN6 đối với vùng đất bãi ven sông; các giống đậu tương Đ8, ĐT12, ĐVN9, DT84 gieo trồng trên đất cấy 2 vụ lúa, đất chuyên màu. Cây lạc sử dụng các giống L14, L23, L16, MD7, MD9. Cây khoai tây sử dụng các giống chất lượng cao như Solara, Sinora, Marabel. Khuyến khích nông dân trồng rau an toàn, các loại rau, quả phục vụ chế biến, xuất khẩu như: Dưa chuột, ớt, bí xanh, bí đỏ, cà chua. Các địa phương quy hoạch, quy vùng diện tích, cơ cấu giống cây vụ đông phải gắn với bố trí cơ cấu giống và diện tích gieo cấy lúa mùa. Vùng trồng cây vụ đông phải chủ động được nước tưới, tiêu, thuận lợi giao thông, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm.
Tại các địa phương có phong trào trồng cây vụ đông đạt hiệu quả cao như: Ân Thi, Tiên Lữ, Khoái Châu... và các địa phương có thị trường tiêu thụ thuận lợi như: Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm... nông dân tích cực chuẩn bị giống để gieo trồng cây vụ đông. Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng rau an toàn, các loại rau phục vụ chế biến, xuất khẩu, nhóm rau ăn quả nhằm chủ động chuyển dịch thời vụ và đa dạng hóa chủng loại rau vụ đông; tăng cường sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Vụ đông năm nay, huyện Kim Động có kế hoạch gieo trồng trên 770 ha cây rau màu các loại. Huyện khuyến cáo nông dân sử dụng những giống có năng suất và chất lượng, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Trong đó, sử dụng ngô tẻ bằng các giống dài ngày, năng suất cao như P4124, NK7328, CP111, CP501; gieo trồng xong trước ngày 20.9; ngô nếp, ngô ngọt sử dụng các giống HN88, HN68, Bạch Long, Việt Thái, Golden Cop; gieo trồng xong trước ngày 10.10. Mở rộng diện tích trồng cây họ đậu nhằm cải tạo đất, sử dụng các giống như DT84, ĐT22, ĐT26, ĐVN5, ĐVN6… cho đất bãi ven sông; gieo trồng xong trước ngày 20.9 và các giống ngắn ngày như: Đ8, ĐT12, ĐVN9, DT84… cho đất 2 vụ lúa, đất màu; gieo trồng xong trước ngày 10.10. Khoai tây sử dụng các giống chất lượng như: Solara, Sinora Nicolas, Diamandt (Hà lan), Merina; gieo trồng từ ngày 15.10 đến ngày 25.11. Gieo trồng khoai lang bằng các giống năng suất, chất lượng như KL2, KL5, Hoàng Long; gieo trồng xong trước ngày 10.10. Bí xanh, bí đỏ, sử dụng các giống năng suất, chất lượng như: Vino34, Arjuna, Suprema, Goldstar 998, Nova79, No va279, Bí xanh số 1, Fuji 868; gieo trồng xong trước ngày 30.9. Đối với các loại rau, đậu thực phẩm, huyện khuyến khích nông dân trồng rau an toàn, các loại rau phục vụ chế biến, xuất khẩu nhằm đẩy mạnh chuyển dịch thời vụ và đa dạng hóa chủng loại rau vụ đông.
Trồng dưa trong nhà lưới tại huyện Kim Động
Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, các địa phương có diện tích đất bãi ven sông Hồng, sông Luộc cần mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, hoa, cây ăn quả, rau để thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp như ngô, đậu, lạc. Tăng cường áp dụng cơ giới hóa, đưa máy móc vào thu hoạch lúa và làm đất, gặt đến đâu làm đất ngay đến đó, theo phương châm “sáng lúa, chiều vụ đông” để gieo, trồng cây vụ đông kịp thời vụ. Chân ruộng thu hoạch lúa trước ngày 5.10, ưu tiên bố trí trồng các cây ưa ấm như ngô nếp, đậu tương, lạc, khoai lang, các loại rau sớm như hành, tỏi, bí đỏ, bí xanh, dưa chuột, ớt. Chân ruộng thu hoạch lúa sau ngày 5.10, bố trí trồng nhóm rau ăn lá ngắn ngày, khoai tây, nhóm rau, đậu ưa lạnh. Áp dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật làm bầu, trồng xen, trồng gối, làm đất tối thiểu để bảo đảm thời vụ; áp dụng các biện pháp chăm sóc, thâm canh cây vụ đông theo hướng sản xuất an toàn, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Bón đủ lượng, bón tập trung và cân đối phân NPK theo yêu cầu của từng loại cây trồng. Bảo đảm đủ nước cho cây trồng; chủ động tưới, tiêu khoa học, không để hạn hoặc úng ngập vào các giai đoạn xung yếu của cây trồng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện nghiêm qui trình trồng rau an toàn, khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP. Vụ đông năm nay, Sở chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng 10 mô hình “Cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn” với tổng diện tích khoảng 350 ha. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ cây vụ đông để nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người dân; chú trọng các loại cây trồng có thời gian bảo quản dài, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.