Hưng Yên: Nỗi lo về môi trường tại ngôi làng ''tỷ phú''
Nghề thu mua, tái chế nhựa thải giúp nhiều người dân làng Khoai (Hưng Yên) giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, đổi lại là những hệ quả về môi trường không nhỏ.
Đôi điều về làng Khoai
Những ngày đầu hè giữa tháng 5, có dịp ghé thăm làng Khoai - “thủ phủ rác thải nhựa” địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi một ngôi làng của một tỉnh ven Thủ đô Hà Nội, lại có cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” vô cùng khang trang, cùng những dãy nhà biệt thự, cao tầng san sát nhau...
Trong ký ức của nhiều người và cả tôi, làng Khoai gắn với sự đói nghèo như chính cái tên “cúng cơm” người dân Văn Lâm đặt cho. Làng Khoai được người dân địa phương gọi chung cho làng Minh Khai và làng Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Cái tên “cúng cơm” làng Khoai khởi nguồn từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, gắn với thời kỳ 2 ngôi làng Minh Khai và Như Quỳnh chuyên trồng khoai cùng cái đói, cái nghèo, sự thiếu thốn dẫn tới nhiều người phải ăn khoai trừ bữa.
Cũng như nhiều làng quê khác, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân làng Khoai. Ngoài ra, người dân làng Khoai còn có thêm một nghề sinh kế khác, đó là nghề thu mua phế liệu.
Qua hơn 30 năm, không nhiều người làng Khoai còn nhớ chính xác người đã tiên phong đưa nghề thu mua phế liệu, tái chế nhựa về thành nghề truyền thống của làng. Họ chỉ nhớ rằng, khoảng năm 1994, một số người dân làng Khoai đã lên Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi nghề tái chế nhựa và đã đem những chiếc máy tái chế nhựa đầu tiên về làng.
Máy chạy xình xịch cả ngày lẫn đêm, cho ra những sản phẩm là những vật dụng quen thuộc trong nhà như bàn, ghế, rổ, rế, cốc uống nước, các loại chai, lọ… bằng nhựa, xuất đi khắp các địa phương trên cả nước, rồi vươn ra nước ngoài.
Thành công này không chỉ giúp họ thoát khỏi cái đói, cái nghèo, mà còn giúp họ thay đổi cuộc sống, trở thành những người giàu có trong làng. Thấy vậy, nhiều người dân làng Khoai cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề thu mua, tái chế rác thải nhựa. Tới nay, theo thống kê, làng Khoai đã có hơn 600 hộ làm kinh tế bằng việc thu mua và tái chế nhựa, trong đó rất nhiều hộ đã đổi đời và trở nên giàu có.
Theo người dân làng Khoai, hiện khoảng 70% số hạt nhựa sản xuất tại làng Khoai được xuất bán sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc về tận làng hợp đồng rồi vận chuyển đi. Ngoài ra, những hộ không làm hạt nhựa tái chế thì mua hạt về rồi “thổi” thành phẩm.
Người dân làng Khoai truyền tai nhau, doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/container. Theo thống kê của huyện Văn Lâm, doanh thu của các hộ làm nhựa tại làng Khoai lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, làng Khoai trở thành làng tỷ phú ở Như Quỳnh. Chính vì thế, người dân nơi đây đổ xô đi làm nghề xử lý và chế biến rác thải nhựa.
Nỗi lo về môi trường
Nghề thu mua phế phẩm, tái chế nhựa thải đã giúp nhiều người dân làng Khoai đổi đời, bộ mặt nông thôn và cơ sở hạ tầng đều có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, nghề thu mua phế thải, tái chế nhựa cũng mang tới những hệ lụy không nhỏ cho môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây.
Dưới chân những dãy nhà cao tầng, biệt thự liền kề khang trang của sự giàu có, bên đường là la liệt những bao tải chứa nhựa tái chế, nilon được chất thành đống. Một số bãi đất trống được người dân tận dụng thành nơi tập kết hàng, hàng chục bao tải chứa nhựa, nilon xếp chồng lên nhau cao chừng chục mét. Những địa điểm ngập ngụa rác thải và ô nhiễm này cũng chính là nơi làm việc của công nhân phân loại nhựa, nilon tái chế.
Chị Phạm Thị Mai – một người dân làng Khoai cho hay, môi trường làng Khoai bị ô nhiễm từ nhiều năm nay. Đi ra đường là phải đeo khẩu trang, không thì không chịu nổi. Khi trời nắng nóng thì vừa khó thở vì mùi thối, vừa đau đầu vì ồn ào khắp nơi.
“Việc làm nhựa tái chế của Làng đã giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng thừa nhận việc nhựa, nilon từ khắp nơi tập kết về thôn đã khiến môi trường sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, chị Mai cho biết.
Cách đó không xa là chị Lường Thị Đường (quê Sơn La) ngồi lọt thỏm giữa đống nhựa khổng lồ, đôi tay thoăn thoắt, phân chia từng loại như chai, túi nilon, vỉ thuốc, áo mưa... thành các đống khác nhau.
Chị Đường kể, công việc bắt đầu từ 6h và kết thúc vào 16h30 hàng ngày. Những ngày đầu đến làng Khoai, chị Đường có phần bị sốc vì vấn đề ô nhiễm từ mùi hôi bốc ra từ nhựa, nilon. Lâu dần thành quen, đến nay chị đã gắn bó với nghề phân loại nhựa tái chế được hơn 5 năm.
Công việc hàng ngày của chị là nhặt, lọc các loại đồ nhựa có thể tái chế để chuyển vào xưởng xử lý, sản xuất nằm sâu trong làng. Với công việc này, tiền công chị Đường nhận được khoảng 250.000 - 300.000 đồng mỗi ngày.
Tương tự chị Đường, cô Đào Thị Bé – 62 tuổi (ở Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội). Cô Bé cho biết, cô làm nghề này được hơn 12 năm, công việc của cô là sàng hạt nhựa thành từng bao rồi vác vào xưởng để làm các công đoạn tiếp theo. Tôi hỏi cô làm nghề độc hại này sao cô không đeo khẩu trang và gang tay, cô nhoẻn miệng cười: “Quen rồi! Đeo khó chịu lắm!”, cô Bé kể, dù biết nghề này độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng “Không làm lấy gì mà ăn, lấy tiền đâu mà mua thuốc!”.
Có lẽ không ít người đã đánh giá được tác hại của nghề này. Nhưng bởi đó là một nghề cho thu nhập cao, nên để thoát nghèo, không có gì cưỡng lại được là việc họ phải tiếp tục...